12/2/17

Cổ Phiếu Khuyến Nghị: TCM - cổ phiếu dưới giá trị


Kết quả hình ảnh cho dệt may thành công
TCM nằm trong list cổ phiếu chiến lược của tôi trong năm 2017. Hiện tại TCM đang hội tụ đủ các yếu tố cho một chu kỳ phục hồi trong trung và dài hạn cả về cơ bản và kỹ thuật. Tỷ suất sinh lợi tại vùng giá hiện tại có thể lên đến 50% khi TCM đang bị thị trường định giá thấp.
Thực tế, thời điểm tôi đăng bài phân tích hơi muộn hơn thời điểm tôi tham gia vào cổ phiếu này, chính xác là quanh vùng giá 15, nhưng vì những lý do cá nhân khác nhau, tôi không kịp soạn 1 bài phân tích kịp thời, nhưng đối với những NĐT trong các room của tôi đều đã nhận được những thông tin sơ bộ và khuyến nghị mua cổ phiếu từ vùng 15.


Để hiểu được lý do TCM được tôi lựa chọn, chúng ta cùng xem lại năm 2016 của ngành dệt may và TCM, những phản ánh của thị trường trước những bất lợi của ngành này trong năm 2016.
Năm 2016 là năm không thực sự thuận lợi của ngành dệt may khi tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 5%, mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Bên cạnh đó, giá bông tăng theo xu hướng hàng hóa thế giới, khiến chi phí nguyên liệu đầu vào gia tăng, càng gây thêm khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành. Đó là lý do giá vốn hàng bán trong năm của TCM tăng khá cao. Thêm nữa, TPP - hiệp định được kỳ vọng sẽ đem đến đột phá cho ngành dệt may bị Mỹ bác bỏ 12/2016 khiến áp lực càng chồng chất lên giá cổ phiếu nhóm ngành này.

Nhưng chính những yếu tố đó, cùng với sự điên rồ của thị trường, đôi lúc đẩy giá cổ phiếu đi quá xa so với giá trị thực của nó. Trong trường hợp của TCM là cổ phiếu bị quá bán - bị thị trường định giá thấp. Trong 3 yếu tố tác động tiêu cực bên trên, một trong những yếu tố góp phần khiến TCM trở thành 1 trường hợp đầu tư béo bở đó là sự kiện TPP bị bác bỏ bởi Mỹ. Nếu hai yếu tố đầu tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì yếu tố thứ ba hàm chứa tính chất đầu cơ của thị trường nhiều hơn. Cũng vào năm 2015, khi TPP được truyền thông thổi phồng, thị trường đẩy giá TCM từ 25 lên 40. Và ngược lại khi tin TPP bị Mỹ bác bỏ, thị trường cũng dìm giá TCM xuống vực thẳm. Nhưng khi tin xấu hầu như được bơm thổi quá mức, thì đó là lúc cơ hội lớn xuất hiện. TPP đã từng tồn tại hay chưa? Xin thưa là TPP chưa từng tồn tại, vậy việc nó xuất hiện hay không xuất hiện có tác động như thế nào đến doanh nghiệp. Nếu xét về mặt tiềm năng, giả định nếu TPP chính thức được thông qua và tồn tại thì rõ ràng nhóm dệt may có thể được hưởng lợi, nhưng khía cạnh ngược lại hoàn toàn không đúng nếu TPP không được thông qua, thì liệu giá cổ phiếu có nên bị thị trường đẩy xuống mức quá thấp như vậy, bởi vì đơn giản nó còn chưa từng tồn tại. Đứng ở khía cạnh này, TCM trở thành khoản đầu tư tiềm năng nếu chúng ta dự phóng được tiềm năng trong hoạt động kinh doanh của nó. Do đó, bây giờ chúng ta cùng quay trở lại với hoạt động cơ bản của doanh nghiệp, điều quyết định liệu TCM có thể trở thành khoản đầu tư giá hời hay không.

Thứ nhất, về triển vọng ngành, đầu năm 2017 bắt đầu ghi nhận sự tăng trưởng tích cực trở lại của nhóm dệt may, theo số liệu công bố mới nhất vào tháng 1, dệt may là 1 trong 2 mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất, với mức tăng trưởng 5,7%, cho thấy những chuyển biến tích cực đang dần cải thiện. Tuy nhiên, vì chỉ mới đầu năm nên cơ sở dữ liệu còn quá ít để kết luận, do đó, chúng ta phải tiếp tục theo sát những báo cáo vĩ mô trong các tháng tiếp theo.

Thứ 2, giá bông nguyên liệu tiếp tục xu hướng tăng giá trong năm nay theo chu kỳ giá cả hàng hóa thế giới. Tuy nhiên, năm 2017 yếu tố này sẽ phản ánh khía cạnh khác, mang tính tích cực nhiều hơn là tiêu cực. Trong trường hợp này, tôi lồng ghép nó vào với TCM. Cụ thể, nếu như năm 2016 việc tăng giá bông nguyện liệu trở thành gánh nặng chi phí, tuy nhiên, xu hướng tăng giá của nguyên liệu đầu vào dần được các doanh nghiệp nắm bắt, và đương nhiên sẽ lên các chiến lược dự phòng cho những biến động bất lợi này về lâu dài. Quan sát BCTC quý 4/2016, hàng tồn kho trong quý 4 của TCM tăng từ 578 tỷ đồng cuối quý 3 lên mức 729 tỷ vào thời điểm cuối năm. Như vậy, với việc lượng hàng tồn kho tăng, những biến động tăng giá tiếp theo có thể vô tình mang về lợi nhuận ở khía cạnh, đánh giá lại giá trị hàng tồn kho nếu giá nguyên liệu tiếp tục gia tăng. Chúng ta từng chứng kiến những “khoản lợi nhuận” kiểu này từ việc biến động giá cao su đầu vào đối với các doanh nghiệp săm lốp.

Hơ nữa, việc tăng giá bông năm 2016 khiến giá vốn hàng bán tăng, làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may, do giá hợp đồng hầu như đã được chốt từ trước đó. Tuy nhiên, bước vào năm tài chính mới, các hợp đồng đầu ra đương nhiên sẽ có xu hướng tăng giá để phản ánh biến động của chi phí đầu vào. Như vậy biến động bất lợi này sẽ được chuyển qua đơn giá trong các hợp đồng đầu ra với các đối tác. Vậy nếu như giá bông nguyên liệu tiếp tục tăng, về ngắn hạn sẽ đem đến yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp dệt may khi hầu như các doanh nghiệp đã chủ động hơn với vấn đề này.

Bây giờ, chúng ta cùng đi sâu vào tình hình hoạt động kinh doanh của TCM một chút bằng cách soi kỹ hơn BCTC quý 4/2016.

Thứ nhất, nếu xét về doanh thu cả năm 2016, TCM đạt 3.072 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 9,9% so với 2015. Nhưng lợi nhuận lại sụt giảm mạnh, ở đây điểm tích cực là doanh thu vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn các năm trước đó. Đáng chú ý, mặc dù quý 4 doanh thu tăng trưởng khá mạnh so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận lại khá thấp. Vậy kết quả lợi nhuận sụt giảm cả năm 2016 tại sao lại mang đến cơ hội đầu tư giá hời cho giai đoạn tới? Câu trả lời nằm ở chỗ, chúng ta mua 1 cổ phiếu vì tiềm năng sắp tới của nó, chúng ta không mua kết quả của quá khứ, quá khứ cung cấp cho chúng ta các dữ liệu để phân tích tiềm năng của nó.

Thứ hai, Chúng ta cùng đi qua bảng cân đối kế toán của TCM, nó sẽ tiết lộ các “điểm tiềm năng” để đầu tư đó. Như tôi đề cập ở trên, hàng tồn kho của TCM tăng mạnh từ mức 578 tỷ lên hơn 728 tỷ cuối quý 4. Hơn nữa, khoản mục “người mua trả tiền trước ngắn hạn” hay còn gọi là khoản mục “doanh thu tiềm năng” tăng mạnh từ mức 68 tỷ lên hơn 138 tỷ, mức cao nhất trong năm 2016. Nếu quan sát chu kỳ của khoản mục này, bạn sẽ thấy, nếu quý trước khoản mục này cao, thì các quý tiếp theo doanh thu của TCM thường tăng mạnh. Như vậy, khoản mục này có thể được đưa vào doanh thu của quý I, II hoặc III của năm 2017, chúng ta không biết chắc được thời điểm nào, nhưng chúng ta biết TCM có “tiềm năng”. Để check lại con số này một chút, chúng ta so sánh nó với sự tương quan với khoản mục “phải trả người lao động”. Giá trị của khoản mục này tăng từ 75 tỷ lên hơn 90 tỷ vào quý 4, vậy sự gia tăng khoản mục này cho thấy điều gì. Nó cho thấy hoạt động sản xuất của TCM có sự mở rộng trong quý 3 và quý 4/2016. Vậy việc kết quả hoạt động kinh doanh của TCM trong quý 4/2016 không mấy tích cực, đồng thời nó cộng hưởng với điểm rơi của các tin xấu TPP đang tạo ra một cổ phiếu giá hời về mặt tiềm năng.

Nếu xét về mặt định giá cơ bản, EPS của TCM hiện tại đang là 2,33k và có khả năng cải thiện trong các quý sắp tới. Với PE hiện tại là 7,3 (mức 10 là phù hợp), P/B = 1.08 (mức 1.5 là phù hợp), mức khá rẻ để lựa chọn đầu tư, phù hợp với chiến lược đầu tư đã được tôi xác định ngay từ đầu năm là các cổ phiếu Blue chip có PE < 10.

Phân tích kỹ thuật cổ phiếu TCM
Bên dưới là chart ngày của TCM: mẫu hình của TCM hiện tại thỏa mãn tất cả các điều kiện của mẫu hình CloudBank (thời kỳ hình thành mẫu hình hơn 1 năm từ tháng 10/2015, mức sụt giảm giá cổ phiếu trung bình 56% từ đỉnh, TCM đã giảm hơn 57%). Tiềm năng sinh lợi của mẫu hình này từ điểm đảo chiều sẽ từ 50 đến 100%. Với các thống kê trong lịch sử lần lượt là 34% cổ phiếu phục hồi 34% mất nửa năm, 34% phục hồi 69% mất 1 năm và 14% cổ phiếu có mẫu hình này phục hồi 82% mất 1,5 năm. Số còn lại phục hồi từ 90 đến 100% với thời kỳ dài hơn.

   TCM - Daily chart với đường Cloudbank tại vùng 26 (click vào hình để xem rõ hơn)

Trong hình, đường cloudbank - đường ngang vùng giá 25 (đường này được hình thành từ các đáy cũ của TCM, vùng hỗ trợ mạnh của nó trước khi gãy và hình thành Cloudbank Pattern) sẽ là vùng giá mục tiêu của chúng ta khi mua và nắm giữ mã cổ phiếu này. Điểm mua của mẫu hình này là điểm break giá của cổ phiếu lên trở lại đường MA30 tuần - theo lý thuyết (tôi dùng MA26 tuần tại 16,6). Nên điểm mua đã diễn ra vào tuần trước. Như trong chart tuần bên dưới, TCM có 1 nến xanh ấn tượng vượt trở lại MA26 = 16,6 với VOL đột biến tăng vượt MA10 và MA45(tuần). Trước thời điểm break, thanh khoản TCM cạn kiệt, củng cố thêm cho các tín hiệu đảo chiều của mẫu hình một cách thuyết phục.

    TCM - Weekly chart, xu hướng đảo chiều hình thành từ nến xanh tuần trước

TCM cũng đã break lên đường xu hướng giảm giá dài hạn tại vùng 15 (điểm mua của tôi).

Về các mức giá mục tiêu, mức giá đầu tư sẽ tại vùng 25, đường Cloubank chính. Chúng ta sẽ mua và nắm giữ TCM trong 6 và 9 tháng tại vùng giá hiện tại thì tiềm năng sinh lời sẽ hơn 50%.
Đường cloubank phụ - vùng giá 20 - sẽ mang tính chất đầu cơ nhiều hơn, đây là vùng kháng cự ngắn hạn của TCM, đối với những nhà đầu cơ có thể lấy mốc này thực hiện chiến lược lướt sóng của mình.
Như vậy, kết quả từ phân tích kỹ thuật với các mức giá mục tiêu khá sát với phân tích cơ bản.

Khuyến nghị
Vùng mua:             15.4 (mức giá tham gia của tôi).
Mục tiêu:  
Ngắn hạn (1-2 tháng):    20 = 30%
Trung hạn (6-9 tháng):    25 = 62%   (PE = 10, P/B=1,5 là mức hợp lý)

P/S: Mặc dù vùng giá tại thời điểm phân tích của tôi đã là 17 nhưng để sát với những khuyến nghị gốc của tôi, thực tế vùng tham gia đã diễn ra trước đó quanh vùng 15 nên tôi cập nhật mức giá mua cũ để mô tả đúng nhất thực chất hiệu quả của hoạt động đầu tư. Lưu ý: những cổ phiếu khuyến nghị của tôi thường mang tính chất đầu tư lâu dài và theo chu kỳ, miễn trách nhiệm với tất cả các rủi ro giá đối với những NĐT lướt sóng ngắn hạn. Nếu NĐT nào thực sự kiên nhẫn, tôi tin TCM sẽ mang đến một khoản lợi nhuận xứng đáng với sự kiên nhẫn đó. Quá trình đầu tư đòi hỏi liên tục theo sát những diễn biến, cơ bản tiếp theo của ngành dệt may và của TCM. Xem xét bán ra nếu diễn biến ngành hoặc doanh nghiệp không như kỳ vọng.

VIET EURO

11 nhận xét:

  1. Trong tuần, TCM đã tăng mạnh từ vùng 17 lên 19,1 và tiệm cận mức giá chốt lời ngắn hạn của tôi tại vùng kháng cự 20. Tại điểm này, các nhà đầu cơ có thể tranh thủ chốt lời. Trong trường hợp lý tưởng, nếu ngắn hạn TCM ko ra bất kỳ thông tin tích cực nào, thì đó là tín hiệu tiêu cực cho TCM về trung hạn. Vì tin tốt chưa ra, TCM sẽ vẫn là 1 cổ phiếu tiềm năng. Xem xét mua lại TCM trong nhịp chỉnh với mục tiêu trung hạn lên 25 như bài phân tích.

    Trả lờiXóa
  2. Update 20/02: chốt lời thành công TCM vùng 19.1 - 19.2, ngắn hạn găp kháng cự tại MA200=19.2. Lệnh kê mua nhưng ko chủ động mua lên, khả năng đẩy xả nên canh chốt lời sóng 1.

    Trả lờiXóa
  3. Như vậy, mức cao nhất của TCM nhịp này là 19.75 khá sát với target ngắn hạn tại mốc 20. Mặc dù chốt lời vùng 19.2 nhưng khó ai bán đúng đỉnh hoặc mua đúng đáy. Tuy nhiên, cần nhớ rằng mục tiêu trung hạn của TCM vẫn còn nguyên, NĐT có thể canh mua lại ở vùng giá thấp khi TCM điều chỉnh tại vùng kháng cự này.

    Trả lờiXóa
  4. TCM đã có phiên giảm thứ 2 liên tiếp về mức 18.9, nằm dưới đường MA5=18.97. Vậy mốc nào có thể mua lại TCM để tham gia vào sóng II?

    Trả lờiXóa
  5. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tuy nhiên, vẫn còn 1 khả năng là hiện tại ngưỡng này TCM chính thức gặp kháng cự cũ tại vùng 20. Liệu có vượt và chạy thẳng lên vùng 25 hay ko?

      Xóa
  6. http://ndh.vn/10-nhom-hang-xuat-khau-chu-luc-dem-ve-19-5-ty-usd-cho-viet-nam-trong-2-thang-dau-nam-20170313110517511p4c150.news
    Tin vui cho dệt may nói chung và TCM nói riêng. Như nhận định, xuất khẩu dệt may 2 tháng đầu năm tăng trưởng hơn 10%. Rõ ràng, các DN đệt may sản xuất theo đơn hàng. Nên lượng hàng tồn kho quý 4/2016 tăng cao, kèm sự gia tăng trong khoảng phải trả người lao động đã tiết lộ cho chúng ta những điểm tiềm năng có thể dự đoán được. Như vậy, khả năng quý 1 này, doanh thu và lợi nhuận các công ty dệt may sẽ có sự cải thiện đáng kể.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. tham gia vào TCM nhịp 2 giá 21.6 với kỳ vọng sóng KQKD quý 1 đột biến, thời gian đầu tư dự kiến đến 15/4, thời điểm BCTC DN được công bố.

      Xóa
  7. http://ndh.vn/15-ngay-thang-3-viet-nam-nhap-sieu-982-trieu-usd-20170323084043380p145152.news
    Xuất nhập khâu dệt may tiếp tục tăng trưowng mạnh vào kỳ 1 tháng 3/2017.

    Trả lờiXóa
  8. Bạn phân tích rất tôt, diễn biến giá phù hợp với dự báo

    Trả lờiXóa
  9. Đóng sổ TCM quý 1, mặc dù kết quả chwua ra. Nhưng giá đã gần chạm mục tiêu, chốt lời với giá 24. Sau khi ra BCTC quý I sẽ đánh giá lại.

    Trả lờiXóa