29/3/17

TÀI CHÍNH HÀNH VI (PHẦN 5): KHUYNH HƯỚNG TỰ ĐỀ CAO

Kết quả hình ảnh cho thất bại trong đầu tư
“Trên phố Wall những chén thánh, những công thức hoặc bí kíp mà bạn cố gắng tìm kiếm và áp dụng đều sẽ có lúc sai nhưng những thất bại của bạn thì luôn đúng!”
VIET EURO

Một trong những cách nhanh nhất để hoàn thiện bản thân mình trên thị trường chứng khoán là học hỏi từ chính những sai lầm, thất bại của mình. Nhưng đáng tiếc, hầu hết các NĐT trên thị trường rất ít khi dành thời gian để xem lại những sai lầm đó, để rồi, thói quen “hay quên” của NĐT đưa họ đến với những sai lầm cũ một cách tự nhiên. Phố Wall có câu nói nổi tiếng: “Lịch sử luôn lặp lại trên thị trường chứng khoán”. Theo cách hiểu của tôi “Lịch sử” ở đây chính là những sai lầm của chúng ta. Bài viết này đề cập đến loại khuynh hướng mà không riêng gì trong lĩnh vực đầu tư mà cả trong cuộc sống chúng ta thường hay mắc phải. Sự nguy hại của nó là khiến chúng ta tránh né, không chịu nhìn nhận những thất bại và sai lầm của mình, để từ đó chúng ta bỏ lỡ một trong những cách tốt nhất để hoàn thiện bản thân là học hỏi từ chính sai lầm và thất bại trong quá khứ.

Mô tả chung: Khuynh hướng tự đề cao (thành kiến trong quy kết) tức là khuynh hướng của một cá nhân cho rằng những thành công mà họ đạt được là do những nhân tố nội tại – thuộc khía cạnh bẩm sinh của họ như tài năng hoặc tầm nhìn, trong khi đổ lỗi cho những nhân tố bên ngoài gây nên những thất bại của họ, chẳng hạn như do thiếu may mắn.

Ví dụ: sinh viên đạt điểm cao trong 1 kỳ thi có thể cho rằng là do họ thông minh hoặc thói quen học tập tốt, trong khi đổ lỗi cho sự không công bằng trong kỳ thi, hoặc thiếu may mắn khi họ đạt kết quả kém. Tương tự, những VĐV thể thao cho rằng chiến thắng họ dành được thể hiện những kỹ năng thể thao vượt trội của họ, trong khi thường đổ lỗi cho trọng tài khi họ thua cuộc.

Mô tả kỹ thuật: Thành kiến trong quy kết có thể phân thành hai loại như bên dưới

1. Khuynh hướng tự đề cao: thể hiện xu hướng của một người tự đề cao một cách vô lý trong việc đánh giá sự thành công của họ.

2. Khuynh hướng phòng vệ: thể hiện sự phủ nhận một cách phi lý trách nhiệm của họ đối với những thất bại.

Dr. Dana Dunn, một giáo sư tâm lý tại Đại Học Moravian đã thực hiện một nghiên cứu, cô ấy yêu cầu các sinh viên của mình kẻ một đường chia đôi trang giấy thành hai cột: một cột là ưu điểm và một cột là khuyết điểm và yêu cầu các sinh viên hãy liệt kê ưu và khuyết điểm của mình. Kết quả là hầu hết các sinh viên liệt kê rất nhiều ưu điểm, trong khi rất ít khuyết điểm được nêu ra. Điều này cho thấy rằng sinh viên của cô ấy có khuynh hướng tự đề cao bản thân.

Những NĐT trên TTCK càng khó tránh khỏi loại sai lầm hành vi này. Câu châm ngôn cũ trên phố Wall: “Trong một thị trường giá lên, tất cả đều là chuyên gia”. Khi một NĐT mắc phải khuynh hướng Tự đề cao, sau khi anh ta mua một cổ phiếu và nó đi lên, thì anh ta sẽ cho rằng đó là do sự hiểu biết về đầu tư và kinh doanh của mình. Ngược lại, nếu cổ phiếu đi xuống anh ta sẽ sẽ quy kết rằng đó là do thiếu may mắn hoặc do vài nhân tố khác mà không phải do lỗi của mình.

Hướng dẫn cho NĐT:

Quy kết một cách phi lý về những thành công và thất bại đều gây nguy hại cho NĐT theo hai cách sau:
Thứ nhất, NĐT sẽ không nhận thức đúng về những sai lầm mà họ mắc phải, do đó không học hỏi được gì từ chính sai lầm của mình.

Thứ hai, những NĐT nếu đánh giá về chính bản thân họ một cách không cân xứng, khi những kết quả kỳ vọng của họ gia tăng có thể trở nên quá tự tin một cách nguy hại về những hiểu biết thị trường của họ.

Research Review:

Một cuộc thảo luận rất đáng chú ý về khuynh hướng tự đề cao với tựa đề “Learning to be overconfident” được viết bởi Odean và Simon. Họ phát triển một mô hình mô tả về những trader tập sự, những người có khả năng rất cao mắc phải hội chứng tự đề cao bản thân, tự tin một cách vô lý về những kỹ năng đầu tư của họ bởi vì họ có xu hướng thiếu trách nhiệm đối với những thua lỗ mà họ gây ra. Sự tự đề cao khiến những NĐT vô tình chấp nhận mức rủi ro tài chính không phù hợp và giao dịch quá mức cần thiết, khuếch đại sự biến động của thị trường. Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng những trader tập sự thường quá tự tin vào khả năng họ có thể vượt qua thị trường, hầu hết đều thất bại trong việc làm điều đó.

Gervais và Odean phát triển ba lý thuyết được đúc kết từ các dữ liệu thống kê:

1. Những thời kỳ thịnh vượng của thị trường thường theo sau bởi những thời kỳ khối lượng giao dịch cao đột biến (đỉnh đi kèm vol cao), một xu hướng chỉ ra tác động của sự quá tự tin lên quyết định của các NĐT.

2. Suốt các thời kỳ sự quá tự tin làm gia tăng khối lượng giao dịch, mức lợi nhuận và hiệu quả danh mục thường thấp hơn bình quân của thị trường.

3. Những trader trẻ và thành công có xu hướng trade nhiều nhất và cho thấy rằng họ thường tự tin thái quá nhất trên thị trường.

Gervais và Odean nhận thấy rằng: trong việc đánh giá khả năng của mình, trader đánh giá quá cao sự thành công của anh ta. Điều này khiến anh ta trở nên tự tin quá mức. Mức độ tự tin của một trader sẽ gia tăng trong giai đoạn đầu sự nghiệp. Sau này, với nhiều kinh nghiệm hơn, anh ta có khả năng nhận thức tốt hơn về khả năng của bản thân. Một trader quá tự tin giao dịch quá mức cần thiết, do đó làm tăng khối lượng giao dịch và biến động của thị trường; trong khi giảm lợi nhuận và hiệu quả đầu tư của mình. Mặc dù một số lượng lớn trường hợp thành công chỉ ra rằng, một trader thành công hơn khả năng sẽ đạt được lợi nhuận thấp hơn trong thời kỳ kế tiếp so với những trader ít thành công hơn bởi vì sự quá tự tin của anh ta. Bởi vì sự quá tự tin được tạo ra bởi sự thành công, những trader quá tự tin thường không phải là những trader nghèo nhất trên thị trường. Sự quá tự tin không làm các trader giàu hơn nhưng quá trình trở nên giàu hơn khiến các trader trở nên tự tin thái quá.

LỜI KHUYÊN:

Việc tốt nhất mà NĐT có thể làm là cố gắng xem lại cả những khoản đầu tư thành công và những thương vụ thua lỗ một cách khách quan nhất có thể. Tuy nhiên, hầu hết NĐT lại không dành thời gian để phân tích những tác động hỗn hợp của những nhân tố đã giúp họ thành công và đương đầu với những sai lầm tiềm ẩn có thể gây nên những khoản thua lỗ nghiêm trọng. Nhật ký đầu tư là công cụ học hỏi tốt nhất đối với bất kỳ NĐT nào. Nhưng đáng tiếc, nhiều NĐT không chịu nhìn lại các sai lầm quá khứ của mình, để rồi lặp lại chính những sai lầm đó trong tương lai.

Những nhà tư vấn và những NĐT cá nhân nên định kỳ làm các bảng phân tích đối với mỗi thương vụ đầu tư: Bạn đã kiếm được tiền từ những cổ phiếu như thế nào? Bạn đã thua lỗ khi đầu tư vào những cổ phiếu có đặc điểm gì? Tách biệt hoàn toàn những thương vụ thành công và thất bại. Sau đó, xem xét lại những quyết định đúng và cố gắng nhận diện những dấu hiệu, đặc điểm giúp bạn ra quyết định đúng. Tự hỏi những câu hỏi như: Có phải bạn đã mua cổ phiếu đó trong lúc thị trường đang quá thuận lợi hoặc đang uptrend mạnh hay không? Tương tự, đối với những thương vụ thua lỗ, bạn hãy tự hỏi: Điều gì đã sai? Có phải bạn đã mua phải cổ phiếu có lợi nhuận kém? Có phải mức giá bạn mua nằm gần mức đỉnh của nó hay không, hoặc bạn đã mua phải một cổ phiếu vừa bước vào thời kỳ điều chỉnh? Hoặc có phải do thị trường chung đang bắt đầu đi xuống hay không?

Khi xem xét lại các quyết định sai lầm, cố gắng tìm kiếm và nhận dạng các đặc điểm mà thời điểm bạn ra quyết định thường không nhận thức được chúng. Ghi chú lại những xu hướng về tâm lý, hành vi khi bạn đương đầu những tình huống như vậy, và cố gắng ghi nhớ những đặc điểm và sai lầm đó. Ví dụ, tự nhắc nhở bản thân mình rằng, sau này “tôi sẽ không mua những cổ phiếu rác, đầu cơ nữa” hoặc “tôi sẽ không mua cổ phiếu chỉ vì tin đồn, game”,  “tôi sẽ cố gắng ngâm cứu thật kỹ một mã cổ phiếu trước khi quyết định đầu tư”,…. Tuân thủ những nguyên tắc này sẽ giúp bạn vượt qua những thói quen xấu và giúp bạn hoàn thiện những chiến lược đầu tư tốt hơn.

Nên nhớ rằng: nhận thức và học hỏi từ chính những sai lầm quá khứ của mình là cách tốt nhất để trở nên thông minh hơn, tốt hơn và thành công hơn trong lĩnh vực đầu tư. Nghĩ về nó thôi là chưa đủ, hãy cố gắng ghi chép lại!

VIET EURO 

Biên soạn từ “Behavioral Finance and Wealth Management”. Micheal M.Pompian.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét