Trong phần 1, tôi đã trình bày về bộ công cụ 5 đường MA, trong đó đường MA(SMA) là đường mà NĐT trên TT sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, sử dụng loại MA nào để cho tín hiệu chuẩn xác nhất trong trading và nâng cao độ tin cậy của các chỉ báo, thì cần xem xét các mặt ưu nhược điểm của các loại MA khác nhau. Bài viết này sẽ đề cập đến 3 loại MA là SMA (MA mà NĐT hay sử dụng) - EMA và WMA.
http://kenhdautu90.blogspot.com/2017/01/bo-cong-cu-trading-hieu-qua-phan-1.html
Khái quát: môt đường trung bình (Moving Average) là cách làm phẳng biến động giá theo thời gian. Nghĩa là bạn lấy giá trị trung bình của giá đóng cửa trong một khoảng thời gian bất kỳ. Ví dụ giá trị MA20 tại thời điểm hiện tại là trung bình giá đóng cửa 20 phiên gần nhất.
Đường trung bình giản đơn là loại MA phổ biến nhất trên thị trường, giá trị của SMA đơn giản là trung bình của chuỗi giá đóng cửa trong một thời gian.
Khuyết điểm của SMA bộc lộ rõ trong ngắn hạn vì nó cào bằng tất cả các biến động giá, không đặt nặng bất kỳ các mức giá đột biến nào. Do đó, độ nhạy của SMA tương đối thấp so với những biến động trong ngắn hạn. Tuy nhiên về dài hạn thì đường SMA lại là khá tin cậy.
Nhưng ngược lại, khuyết điểm của SMA lại là ưu điểm của nó trong đối với các bẫy giá trên thị trường. Vì SMA phản ứng chậm do đó nó loại trừ được các biến động nhiễu ngắn hạn. Ví dụ, trong một chu kỳ ổn định giá cổ phiếu, bỗng dưng có các phiên tăng đột biến trong ngắn hạn nhưng nó chỉ là 1 bẫy bulltrap, thì việc biến động chậm của SMA chưa cho tín hiệu mua ngay lập tức, do đó, giúp NĐT tránh được các bẫy giá như vậy.
Một đặc tính đáng chú ý (mang tính thực tiễn) của đường SMA hay MA là: vì đường SMA là đường phổ biến nhất trên thị trường nên nó phản ánh khá sát với tâm lý của NĐT tại các ngưỡng hỗ trợ hoặc kháng cự. Nhưng độ tin cậy về mặt tối ưu thì không hẳn chính xác bằng đường WMA mà tôi đề cập bên dưới.
Đường trung bình lũy thừa EMA
Đường trung bình lũy thừa EMA được tính bằng công thức hàm mũ, trong đó đặt nặng các biến động giá gần nhất, do đó, EMA khá nhạy với các biến động ngắn hạn, giúp nhận biết các tín hiệu đảo chiều nhanh hơn.
Ví dụ: giá cổ phiếu VCB trong 5 phiên gần nhất như sau:
Ngày 1/2: 35
Ngày 2/2: 36
Ngày 3/2: 37
Ngày 4/2: 38
Ngày 5/2: 39
Thì giá trị của EMA sẽ nằm lệch về các mức giá 38 và 39 nhiều hơn, do đặt nặng sự biến động giá của các ngày gần nhất là ngày 4 và 5/2 nhiều hơn. Từ đó, các tín hiệu giao cắt sẽ diễn ra nhanh hơn đường SMA. Giúp NĐT phản ứng nhanh hơn trước các biến động giá ngắn hạn. Tuy nhiên, việc phản ánh quá nhanh các biến động giá ngắn hạn lại dễ đưa NĐT vào các bẫy bulltrap giá như đề cập bên trên.
Như vậy SMA hay EMA đều có những ưu và khuyết điểm riêng của từng loại.
Đường trung bình trọng số WMA
Trung bình có trọng số WMA, như chúng ta đã từng được học sẽ đặt nặng các tham số có tần suất cao nhất.
Ví dụ: Ta so sánh 2 lớp học
Lớp 12A: có 10 học sinh và điểm thi môn toán dao động từ 7-10.
Lớp 12B: có điểm thi môn toán dao động từ 6-9
Thoạt nghe qua, phần lớn sẽ có cảm giác là lớp 12A giỏi hơn lớp 12B. Tuy nhiên, chúng ta sẽ giả định thêm trường hợp, phần lớn HS lớp 12A đạt điểm 7 và chỉ có 1 học sinh đạt 9 và 1 HS đạt 10 điểm.
Trong khi lớp 12B chỉ có 1 em điểm 6, còn lại toàn điểm 9. Và tính ra trung bình thì lớp 12B lại cao hơn lớp 12A. Như vậy, vấn đề mức điểm nào có tần suất xuất hiện nhiều nhất sẽ quyết định chất lượng, chi phối giá trị trung bình của lớp đó.
Do đó, Trung bình có trọng số WMA sẽ đặt nặng các bước giá có khối lượng giao dịch lớn, đặt nặng yếu tố chất lượng của dòng tiền. Ở điểm này, nếu xét theo biến động của thị trường, nếu bước giá nào có khối lượng khớp lệnh lớn nhất thì bước giá đó sẽ chi phối. Rõ ràng, nếu bước giá nào được giao dịch khối lượng nhiều nhất, độ lớn của các lô lớn nhất thì bước giá đó càng đáng tin cậy, cả mặt hỗ trợ hoặc kháng cự. Hoặc nếu xét theo quan điểm về giá vốn, nếu kinh doanh chứng khoán là việc mua thấp bán cao thì chúng ta sẽ phải xét giá vốn bình quân của bên mua bao nhiêu, và giá vốn của bên mua rõ ràng phụ thuộc vào bước giá mà tại đó họ mua nhiều nhất, sẽ quy ra được giá vốn trung bình (của đội lái, của NĐT, của cung - cầu,…).
Trong thực tiễn đầu tư, thông thường những người dùng PTKT đưa ra quyết định mua 1 cổ phiếu, không những tại điểm break về giá mà còn dựa trên khối lượng của phiên giao dịch đó, VOL tại điểm break giá đó có lớn hay không, gấp 2-3 lần trung bình khối lượng của 10 hoặc 20 phiên gần nhất chẳng hạn. Rõ ràng, việc giá có đột biến trong ngắn hạn là 1 phần, phần còn lại là khối lượng của phiên đột biến đạt bao nhiêu sẽ quyết định chất lượng và độ tin cậy tại thời điểm đột biến.
Về thực tiễn đầu tư, trong quá trình sử dụng MA, tôi cũng quan sát song song đường WMA và cảm nhận độ tin cậy về các mức hỗ trợ từ các đường WMA cao hơn đường MA, biến động của đường giá sát với các đường WMA hơn là đường MA.
Đường WMA cũng cho các tín hiệu mua bán nhạy hơn vì liên quan đến dòng tiền, nếu phiên cho tín hiệu mua, dòng tiền vào mạnh thì đường WMA ngắn hạn sẽ nhanh chóng phản ứng và cho tín hiệu giao cắt nhanh hơn đường MA. Ngược lại tín hiệu bán, nếu khổi lượng xả hàng lớn đường WMA cũng nhanh chóng cho tín hiệu giao cắt xuống sớm hơn. Tuy nhiên, khác với đường EMA, đường WMA đặt nặng chất lượng dòng tiền do đó, độ tin cậy của nó cao hơn và loại trừ được độ nhiễu của biến động giá ảo.
VIET EURO
0 nhận xét:
Đăng nhận xét