4/9/16

ĐẦU TƯ HAY ĐẦU CƠ


Kết quả hình ảnh cho thành công
Tôi còn nhớ trong bộ phim The Dark Night (2008), nhân vật Joker từng có câu nói khiến tôi khá hứng thú và liên tưởng đến việc đầu tư trên TTCK.
Câu nói đó là: “Không ai cảm thấy hoảng loạn khi mọi việc đang đi theo đúng kế hoạch”.




Câu nói đó rất có lý khi tôi liên hệ nó với chiến lược đầu tư và đầu cơ trên TTCK. Warrant Buffet cũng từng có triết lý đầu tư khá nổi tiếng: “hãy nắm giữ 1 cổ phiếu vĩnh viễn, và chỉ bán nó ra nếu nó không còn đáp ứng các tiêu chuẩn ban đầu của bạn”.

Chiến lược đầu tư của tôi, như tôi đã từng hệ thống lại, đó là: “Luôn bán sát lý do và các tiêu chuẩn ban đầu khi bạn mua cổ phiếu”. Và tôi sẽ bán ra nếu cổ phiếu đó không còn đáp ứng được các tiêu chí cơ bản hoặc kỹ thuật như tôi vạch ra ban đầu. Đó chính là “Kế hoạch” như trong câu nói của Joker. Vậy câu nói đó có liên quan gì đến tựa đề bài viết này Đầu Tư hay Đầu Cơ?

Ở đây có lẽ, tôi cũng xin lưu ý trước là bản thân tôi không quá mạnh về PTKT, và chiến lược đầu tư được tôi xác định là Buy & Hold 1 cổ phiếu theo chu kỳ và kỳ vọng phân tích của mình, nó thiên về cơ bản (FA) hơn là kỹ thuật (TA).

Một trong những sai lầm thi thoảng tôi hay mắc phải trong quá trình đầu tư là đôi lúc bị tác động quá nhiều bởi các tín hiệu kỹ thuật trong khi lý do ban đầu tôi mua cổ phiếu phần lớn là từ phân tích cơ bản về triển vọng kinh doanh, PTKT chỉ nhằm giúp tôi xác định điểm mua bán nhằm tối đa hóa việc sử dụng vốn. Vậy sai lầm là gì?

Đối với tôi, đầu tư theo trường phái PTKT thì dễ bị “vỡ kế hoạch” hơn là PTCB. Vậy tại sao PTKT lại thường mắc phải trường hợp này nhiều hơn PTCB? Khi PTCB một cổ phiếu, bạn mua vì kỳ vọng cổ phiếu đó sẽ tiếp tục tăng trưởng hoặc kết quả kinh doanh sẽ tiếp tục tốt trong các quý tới, năm tới,… thường là chu kỳ thời gian của nó khá dài. Dẫn đến mật độ và biến động của nó là khá chậm. Như vậy, trừ khi có những biến động khá lớn về vĩ mô và chính sách đột ngột, thường kết quả KD của từng DN sẽ phản ánh theo từng chu kỳ chẳng hạn như quý, mùa vụ, năm,…. Nhưng trong PTKT, cổ phiếu biến động khá mạnh, dễ dàng bị tác động bởi những thông tin nhiễu xung quanh. Do đó, nó dễ dàng vi phạm các tiêu chuẩn và “vỡ kế hoạch” nhiều hơn so với PTCB.

Ví dụ: 1 người xác định sẽ nắm giữ cổ phiếu theo PTKT và sẽ bán ra nếu nó vi phạm các tỷ lệ như mức cutloss, các ngưỡng MA ngắn hạn hoặc các ngưỡng hỗ trợ bị phá vỡ, việc này khiến cho “kế hoạch” bị phá vỡ mới mức độ thường xuyên. Sự vỡ kế hoạch này có thể là do tác động của các tin đồn không có cơ sở, các tin nhiễu liên quan đến ngành và doanh nghiệp, những kỳ vọng đầu cơ ngắn hạn hoặc từ chính sự cộng hưởng của các tín hiệu mua bán theo kỹ thuật. .Các mẫu hình có thể liên lục biến đối khó lường. Việc vỡ kế hoạch nhiều lần khiến tần suất giao dịch gia tăng, chi phí giao dịch phát sinh gây giảm hiệu quả đầu tư về lâu dài, tâm lý NĐT bị dao động và thay đổi liên tục theo thị trường và theo đám đông. Hơn nữa, việc đầu cơ theo PTKT với tần suất giao dịch lớn, khiến hầu hết NĐT bị cuốn theo các thay đổi liên tục của bảng điện, vì phải theo sát nhịp độ giao dịch trên bảng điện thường xuyên nên cảm giác về thời gian bị kéo dài, 1 tuần của những nhà đầu cơ có thể dài tương đương 1 tháng, khiến sự nhẫn nại của họ trong việc nắm giữ cổ phiếu bị sụt giảm đáng kể. Đương nhiên, để khắc phục những nhược điểm này, trường phái PTKT đã xây dựng các chiến lược ra vào với tỷ lệ % được phân bổ hợp lý nhằm tối đa hóa hiệu quả đầu tư.

Nhưng trong PTCB, các “Kế hoạch” sẽ ít khi bị vi phạm hơn, các thông tin liên quan đến DN sẽ xuất hiện với tần suất ít hơn. Chẳng hạn, sau khi phân tích kỹ lưỡng 1 cổ phiếu, bạn mua nó với kỳ vọng kết quả KD quý tới sẽ tiếp tục tăng trưởng, như vậy sự tác động của các thông tin nhiễu, ko tác động đáng kể đến các tiêu chuẩn cơ bản ban đầu của bạn, lúc đó bạn vẫn tự tin tiếp tục nắm giữ. Cho đến khi BCTC quý tới được tung ra. Như vậy, rõ ràng tần suất vi phạm các tiêu chuẩn sẽ thấp hơn, tiết kiệm được chi phí giao dịch và tâm lý sẽ ít bị dao động hơn. Thậm chí, khi nắm giữ 1 cổ phiếu đủ lâu, bạn sẽ càng tự tin rằng mọi thứ vẫn “đang nằm trong kế hoạch”. Trong khi những NĐT khác đến rồi đi, nói với bạn những điều tiêu cực về cổ phiếu mà bạn hiểu chúng hơn họ. Những người mà họ vừa mới bị "vỡ kế hoạch" với chính cổ phiếu của bạn.

Câu chuyện về hiệu quả giữa đầu tư và đầu cơ, giữa Phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật là một câu chuyện dài. Nhưng đối với tôi, chiến lược đầu tư của tôi là theo chu kỳ dựa trên những phân tích cơ bản về triển vọng ngành và DN, và đến giờ tôi vẫn hiệu quả và tự tin với việc tìm kiếm lợi nhuận bền vững trên thị trường chứng khoán dựa trên chiến lược của mình.

P/S: Mỗi NĐT, dù chiến lược đầu tư như thế nào, theo trường phái nào, thì điều quan trọng là miễn sao chiến lược đó tạo nên sự tự tin trong hành động, phù hợp với tính cách và đem đến hiệu quả đầu tư cho mỗi cá nhân thì đó là chiến lược đúng đắn nhất. Bên trên chỉ là quan điểm cá nhân của tôi về chiến lược đầu tư của mình. Hoàn toàn theo ý chủ quan.


 VIET EURO

0 nhận xét:

Đăng nhận xét