Nhân dịp cuối tuần, có chút thời gian
rãnh em tổng hợp chiến lược của ba nhà đầu cơ huyền thoại trên TTCK: Jesse
Livermore – Nicolas Darvas và Paul Tudor Jones II. Bài viết không liệt kê các
nguyên tắc dài dòng vì hầu như phần lớn NĐT trên thị trường hiện nay không đủ
kiên nhẫn để thực hành hết những nguyên tắc đó. Tôi sẽ cố gắng trình bày thông
qua đồ thị với ngôn từ dễ hiểu nhất. Rất mong giúp ích được gì đó cho ace khi
tham gia thị trường.
Trước tiên: nhắc lại quan điểm nền tảng
của PTKT là giá phản ánh tất cả các thông tin cơ bản của thị trường và của cổ
phiếu đó. Không cần biết đằng sau nó là lý do gì, đầu cơ hay tin tức tốt xấu đều
phản ánh vào giá. Và chiến lược của 3 nhà đầu cơ trên hoàn toàn dựa vào mẫu
hình giá và khối lượng.
(Lưu ý bấm
vào hình để xem toàn hình và rõ hơn, do hình ảnh hiển thị ko đầy đủ)
1/ Lý thuyết Darvas
Box (Vũ công trên sàn chứng khoán)
Không coi đầu cơ là nghề mà lại
trở thành nhà đầu cơ trứ danh, không từ sàn chứng khoán mà từ vũ trường viết
nên luận thuyết đầu cơ riêng, không coi thế giới đầu cơ là sân chơi mà chỉ là
nơi thử nghiệm kinh nghiệm thực tiễn từ một sân chơi khác, không bằng cao, học
rộng về tài chính và tiền tệ mà vẫn được coi là thần tượng trong cư dân của thế
giới đầu cơ. Nhà đầu cơ có một không hai này là Nicolas Darvas, với biệt danh
cũng có một không hai là “Vũ công trên sàn chứng khoán”.
Darvas là một trong những người khai sinh ra trường
phái phân tích kỹ thuật: “Không bao giờ có cổ phiếu tốt hoặc xấu, mà
chỉ có cổ phiếu tăng giá hay giảm giá mà thôi”.
Lý thuyết
Darvas Box: Theo Nicolas Darvas thị trường thường có xu hướng
chuyển động trong những chiếc hộp, cận trên là ngưỡng kháng cự và cận dưới là mức
chống đỡ và khi giá phá vỡ vượt ra ngoài chiếc hộp (lên trên), đồng thời khối
lượng tăng cao hoặc đột biến sẽ cho tín hiệu mua. Như trong hình 1.1 Darvas sẽ
mua tại điểm phá vỡ chiếc hộp (vòng tròn xanh trong hình).
Hình 1.1: Hình minh họa chiến lược Darvas Box
Bằng phương pháp này, chỉ trong
vòng 18 tháng, Darvas đã kiếm hơn 2 triệu USD từ khoản đâu tư ban đầu 36.000
USD. Đó là vào thời điểm cuối những năm 1950, số tiền này ngày nay tương đương
gần 20 triệu USD, đưa tên tuổi ông trở thành một trong những nhà đầu tư huyền
thoại của Phố Wall.
Việc giao dịch tại điểm phá vỡ có những điểm lợi
sau:
+ Thứ nhất nó được bảo hiểm bởi mức chống đỡ (cận
trên của chiếc hộp – trước khi phá vỡ đóng vai trò là ngưỡng kháng cự, đây là sự
đảo ngược vai trò như tôi đã đề cập trong bài viết về mức chống đỡ và ngưỡng
kháng cự).
+ Thứ hai, tại điểm phá vỡ, khối lượng tăng đột
biến, chứng tỏ đằng sau đó có một động lực nào đó khiến thị trường đẩy mức giá
vượt ra khỏi vùng giá bình thường của nó. Lưu ý rằng, khối lượng là cực kỳ quan
trọng trong các mẫu hình, giá cả hoàn toàn có thể đánh lừa bạn bởi nhiều lý do,
có thể là thao túng, làm giá... Nhưng khối lượng tương thích với một mẫu hình
giá sẽ cho bạn biết được nhiều điều. Bởi khối lượng là dòng tiền, nó là thực,
và khi khối lượng tương thích với mẫu hình giá thì mẫu hình đó sẽ đáng tin cậy
hơn.
+ Thứ ba, sẽ có không ít NĐT nóng vội tham gia
vào vùng giá trong chiếc hộp khi chưa có tín hiệu rõ ràng. Mà theo như khảo sát
từ các NĐT theo trường phái PTKT, giai đoạn thị trường đi ngang không có xu hướng
là giai đoạn NĐT thua lỗ và mất tiền nhiều nhất. Do đó, việc đứng ngoài và chờ
đợi khi có tín hiệu rõ ràng là yếu tố then chốt không những bảo toàn được vốn
mà còn có cơ hội đón một con sóng tăng.
Giả sử, một NĐT sau khi quan sát thấy thị trường
kháng cự mạnh tại điểm B và được hỗ trợ tốt từ điểm A (hoặc nhiều lần dao động
trong vùng giá này). Anh ta quyết định mua vào nếu thị trường điều chỉnh về
vùng chống đỡ (tại điểm C) và sẽ bán ra nếu thị trường tăng trở lại đến ngưỡng
kháng cự (điểm D). Như vậy, trong chiến lược này lợi nhuận mà NĐT có thể kiếm
được là chênh lệch từ điểm C đến D. Nhưng rủi ro, anh ta đối diện ra sao? Nếu
không may anh ta mua tại điểm C hoặc điểm E nhưng thị trường tiếp tục rớt xuống
dưới 2 điểm này thì anh ta sẽ nhận lấy cái kết đắng lòng. Không ít NĐT lại thực
hiện bình quân giá giảm, đó là lý do ko ít NĐT bị cháy tài khoản. Như vậy, chiến
lược của NĐT trong trường hợp này là kiếm lợi nhuận thấp nhưng nhận lấy rủi ro
cao.
2/ Chiến Lược đầu
cơ của Jesse Livermore:
Jesse Livermore nổi danh là
một trong các nhà kinh doanh vĩ đại của thế kỷ 20. Chỉ một số ít người có khả
năng kiếm được lợi nhuận lớn, hoặc mất tất cả, nhanh như Livermore.
Chiến lược
Jesse Livermore: Khác với Darvas, Livermore chọn điểm mua khác
hơn một chút, thay vì mua tại điểm phá vỡ, Jesse sẽ chờ cho thị trường điều chỉnh
trở lại và mua vào; đồng thời đặt mức cắt lỗ để thoát vị thế nếu nhận định của
ông ta không đúng. Như vậy, chiến lược này đã có 2 sự bảo hiểm: thứ nhất, là mức
chống đỡ của thị trường tại vùng giá bị phá vỡ và thứ hai là mức cắt lỗ mà
Livermore đã đặt ra. (Hình 1.2)
Hình 1.2: Minh họa chiến lược mua của Jesse Livermore
Cạm bẫy tâm
lý: Giả dụ: 1 NĐT
sau khi thấy thị trường Breakout tại ngưỡng kháng cự và nhận định rằng thị trường
sẽ có sóng to, thay vì chờ cho thị trường điều chỉnh trở lại và mua vào, anh ta
lập tức đua lệnh. Như vậy, có thể anh ta sẽ mua với mức giá tại các cây nến
xanh 1, 2 hoặc 3 như trong hình. Nếu sau đó, thị trường điều chỉnh giảm, thì
NĐT sẽ cảm thấy lo ngại, thường thì tốc độ giảm giá của chứng khoán nhanh hơn tốc
độ tăng giá, cảm xúc có thể khiến anh ta bán tại vùng giá điều chỉnh. Kết quả là
thị trường phục hồi tăng trở lại. Lúc đó, anh ta than trời và có cảm giác rằng lúc
mua thì giá giảm, đến khi bán thì nó lại tăng.
Rõ ràng, cảm xúc đã khiến anh ta không bám được
với nhận định đúng ban đầu của mình là thị trường sẽ tăng mạnh. Dẫn đến, NĐT
thua lỗ với 1 nhận định đúng. Hầu như trong giao dịch các NĐT thường hành động
theo cảm xúc. Ngay cả với các chiến lược đầu cơ, thì việc loại bỏ cảm xúc trong
giao dịch là cực kỳ quan trọng.
3/ Chiến Lược
của Paul Tudor Jones:
Paul Tudor
Jones II (sinh ngày 28/09/1954), là nhà sáng lập Tudor Investment
Corporation, là công ty quản lý cho các đối tác đầu tư đa dạng của ông, còn được
xem là các quỹ phòng hộ. Đến tháng 03/2011, ông được ước tính có tài sản
ròng USD 3.3 tỷ USD theo tạp chí Forbes và được xếp hạng giàu thứ 107
của nước Mỹ.
Thay vì giao dịch
trong vùng thân sóng của thị trường, Paul kiên nhẫn chờ đợi và tìm kiếm các thời
các thời điểm chuyển hướng thị trường quan trọng với xu hướng sóng dài, tại đỉnh
(Bán khống – short sell) hoặc tại đáy (Mua vào). Dựa vào các mẫu hình và những
phân tích khác nhau, nếu nhận thấy khả năng thị trường sẽ đảo chiều thì ông sẽ
tham gia thị trường.
Vậy nếu, thị
trường không đảo chiều xu hướng thì sao? Thông thường, Tudor Jones sẽ đặt mức cắt
lỗ. Nếu nhận định của ông là sai, ông sẽ được bảo hiểm bởi mức cắt lỗ đó nhưng
nếu nhận định của ông là đúng thì ông sẽ đạt được lợi nhuận cực lớn. Và lời
khuyên của ông là đừng bao giờ bình quân giá xuống “Losers evarage Losers – Những
NĐT thua lỗ bình quân thua lỗ”
Hình 3.1 minh hoạ các điểm mua bán của Tudor
Jones (các điểm được khoanh tròn).
P/S: Chiến lược đầu cơ đòi hỏi NĐT loại bỏ cảm xúc, giữ vững kỳ luật trong giao dịch. Đồng thời, khi giao dịch theo các mẫu hình, đòi hỏi sự kết hợp tương thích giữa mẫu hình giá và khối lượng. Thông thường, mẫu hình giá trực quan hơn, dễ nhớ hơn nên chúng ta thường phản ứng với thị trường ngay khi nhận biết được mẫu hình giá nào đó. Tuy nhiên, việc không nắm bắt được khối lượng của mẫu hình giá khiến chúng ta đưa ra những quyết định sai lầm hoặc rơi vào những cạm bẫy đầu cơ. Thông thường, mẫu hình khối lượng thường không có sẵn bên cạnh khi chúng ta cần và thường chúng được giải thích bằng ngôn từ nên rất khó nhớ và nắm bắt. Thời gian tới tôi sẽ cố gắng tổng hợp các bài viết về mẫu hình giá và khối lượng thông qua hình ảnh cụ thể để NĐT dễ nắm bắt.