25/4/17

TÀI CHÍNH HÀNH VI (PHẦN 8): KHUYNH HƯỚNG BẢO THỦ


150
"Việc đầu tư thành công trong cuộc đời không đòi hỏi một chỉ số IQ cao chót vót, tầm hiểu biết kinh doanh sâu sắc khác thường hay thông tin nội gián. Những gì cần có là một khuôn khổ trí tuệ sáng suốt để đưa ra quyết định và khả năng khiến cho cảm xúc không phá hủy nền tảng đó”. Warrent Buffet

Khuynh hướng Bảo thủ
Thể loại: nhận thức



Mô tả chung: Khuynh hướng bảo thủ là một trạng thái tinh thần mà một người bám vào các quan điểm hoặc các dự báo trước đó của họ trả giả bằng sự hiểu biết thông tin mới. Ví dụ, giả định rằng một NĐT nhận vài tin xấu liên quan đến lợi nhuận của một công ty và những tin này mâu thuẫn với những dự đoán về lợi nhuận trong bài phân tích trước đây. Khuynh hướng bảo thủ có thể khiến NĐT không phản ứng lại với thông tin mới, duy trì những ấn tượng bắt nguồn từ những dự phóng và nhận định ban đầu thay vì hành động dựa trên những thông tin mới. 

Hướng dẫn cho nhà đầu tư:
NĐT thường quá tập trung vào những kết quả dự báo trước đây hơn là những dữ liệu mới, cái mà mô tả thực sự những kết quả mới nhất. Nhiều nhà thực hành quản lý tài sản đã quan sát khách hàng của họ, những người đã không hành động hợp lý dựa trên những thông tin mới cập nhật liên quan đến cổ phiếu của họ do họ đang “mắc kẹt” với những niềm tin trước đây. Bên dưới là các hành vi sai lầm mà NĐT hay mắc phải do khuynh hướng bảo thủ gây ra:

1.Khuynh hướng bảo thủ khiến NĐT gắn chặt vào những quan điểm và dự đoán ban đầu của họ, hành xử thiếu linh hoạt trước các thông tin mới xuất hiện. 

Ví dụ: một NĐT mua 1 cổ phiếu dựa trên hiểu biết rằng công ty dự định tung một sản phẩm mới ra thị trường trong thời gian tới. Sau đó, công ty này lại thông báo họ gặp một vài trục trặc trong việc tung sản phẩm ra thị trường. NĐT có thể gắn chặt mình vào những ấn tượng lạc quan quan ban đầu về triển vọng tích cực của công ty và có thể không hành động linh hoạt dựa trên thông tin tiêu cực vừa mới xuất hiện. 

2.Các NĐT bảo thủ thường phản ứng chậm trước các thông tin tiêu cực mới xuất hiện. 

Ví dụ: nếu một thông báo lợi nhuận của công ty sụt giảm xuất hiện liên quan đến cổ phiếu mà NĐT đang nắm giữ, họ thường trì hoãn việc bán cổ phiếu. Cụ thể, nếu các quan điểm và nhận định trước đó về triển vọng của công ty là rất tốt, NĐT có thể trì hoãn quá lâu và có ảnh hưởng quá lớn khiến NĐT tỏ ra thận trọng trong việc loại bỏ cổ phiếu đó cho tới khi họ mất nhiều tiền hơn mức cần thiết.

3.Sự bảo thủ có thể liên quan đến sự khó khăn trong quá trình đánh giá tác động của thông tin mới. Bởi vì NĐT gặp khó khăn trong việc đánh giá mức độ tác đông của thông tin mới, hoặc phải thực hiện lại các định giá, phân tích tương đối mất thời gian và khó khăn, một lựa chọn đơn giản và dễ dàng hơn là gắn với niềm tin trước đó. 

Ví dụ: nếu một NĐT mua một cổ phiếu với niềm tin rằng nó sẽ tiếp tục tăng trưởng, và sau đó công ty thông báo rằng một loạt các thay đổi kế toán khó giải thích có thể ảnh hưởng lên sự tăng trưởng của nó, NĐT có thể dễ dàng bỏ qua thông báo đó thay vì cố gắng giải mã chúng. Do đó, dễ dàng duy trì niềm tin ban đầu rằng triển vọng tăng trưởng của công ty vẫn tốt. 
Hoặc một NĐT mua cổ phiếu HPG vì EPS của nó cao và giá thị trường đang ở vùng định giá hấp dẫn với mức P/E=5, khá thấp so với bình quân ngành và kỳ vọng mức giá mục tiêu ở mức P/E=9. Tuy nhiên, sau đó DN này thông báo sẽ phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn đầu tư cho dự án mới. Lúc này, việc NĐT cần làm là đánh giá lại EPS của HPG trong trường hợp phát hành thêm, sẽ bị pha loãng bao nhiêu. Từ đó, đưa ra mức giá mục tiêu mới. Tuy nhiên, đối với hầu hết NĐT, công việc này tương đối khó khăn và lựa chọn dễ dàng hơn cho họ là phớt lờ thông tin đó và tiếp tục nắm giữ HPG với giá mục tiêu ban đầu. 

Các nghiên cứu

Điều gì xảy ra khi những thông tin quan trọng ảnh hưởng đến thị trường tài chính? Giả sử, một công ty báo cáo lợi nhuận của nó cao hơn nhiều so với dự kiến hoặc thông báo về một vụ thâu tóm lớn. Các trader và các NĐT vội vàng tiếp nhận thông tin và đẩy giá cổ phiếu lên mức mà họ cho là phù hợp với những thông tin họ vừa mới nhận được. Nhưng liệu hành động đó có đúng không? Họ có phản ứng đúng với tin tức mà họ vừa mới nhận được? Các nghiên cứu gần đây cho thấy, các NĐT mắc phải những lỗi hệ thống trong việc tiếp nhận và xử lý những thông tin mới, những sai lầm này được khai thác bởi những đối tượng trục lợi từ thông tin trên thị trường (cá mập, nội bộ, bơm tin để xả hàng). 

Trong bài báo “Một mô hình tinh thần đầu tư”, các giáo sư tại đại học Chicago đã đưa ra các bằng chứng cho thấy rằng, trong một số trường hợp, NĐT phản ứng quá chậm với các thông tin mới, và trong trường hợp khác là phản ứng một cách thái quá. Kết quả nghiên cứu được chỉ ra bên dưới:

Nhà đầu tư phản ứng một cách thái quá

Phân tích dữ liệu từ năm 1933, De Bondt và Thaler nhận thấy rằng những cổ phiếu có lợi nhuận cực kỳ thấp trong giai đoạn 5 năm trước đó thì sau đó lại là những cổ phiếu cho tỷ suất sinh lợi vượt trội hơn so với những cổ phiếu có lợi nhuận cao trước đó. Nói cách khác, Barberis chỉ ra rằng: “nếu NĐT xếp hạng hàng ngàn cổ phiếu dựa trên hiệu quả của nó từ 3 đến 5 năm trước, thì sau đó họ có nguy cơ trở thành những người thua cuộc lớn nhất trên thị trường, ngược lại, những cổ phiếu cho kết quả tệ trong các năm trước, lại trở thành những cổ phiếu có hiệu quả tốt nhất sau này. Những gì bạn nhận thấy là nhóm cổ phiếu kém hiệu quả nhất sẽ vượt qua mức trung bình của thị trường trong 5 năm tiếp theo. Nó gợi ý một ý tưởng/chiến lược đầu tư tốt là mua những cổ phiếu thua lỗ trước đây hoặc đang được định giá thấp”. 

P/s: chiến lược này bản thân tôi đã áp dụng và khá hiệu quả trong quá trình đầu tư.

Sự phản ứng quá mức của NĐT có thể giải thích những phát hiện bên trên như thế nào? Giả sử rằng: một công ty có thời kỳ kinh doanh tăng trưởng ấn tượng trong 3 – 5 năm liên tục, lợi nhuận vượt xa so với kế hoạch và kỳ vọng. Trong kỳ báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất, công ty tiếp tục công bố mức lợi nhuận đột biến. Có khả năng là các NĐT sẽ phản ứng quá mức đối với những thông tin như vậy và trở nên lạc quan một các thái quá về triển vọng của công ty trong các quý/năm tới, họ sẵn sàng trả một mức giá cao chót vót để mua những cổ phiếu như vậy, trong khi trước đó giá cổ phiếu đã có một thời kỳ tăng khá dài. Tuy nhiên, trong các năm sau đó, NĐT nhận ra rằng họ đã lạc quan một cách thái quá về triển vọng của DN, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp bắt đầu chậm lại và sau đó cổ phiếu bước vào thời kỳ điều chỉnh mạnh. Tương tự như vậy, những cổ phiếu thua lỗ trước đây thường bị các NĐT lãng tránh, và bi quan một cách quá mức. Cho đến khi nhận thức sai lầm đó được điều chỉnh, thì những cổ phiếu này lại cho tỷ suất sinh lợi thuộc top đầu thị trường.

P/S: chiến lược này đã được tôi biên soạn trong trong phần 2 của bài viết với tựa “Từ VĨ MÔ chuyển sang Vi Mô” trong link bên dưới:
http://kenhdautu90.blogspot.com/2017/04/nhan-inh-thi-truong-tuan-2404-28042017.html

Nhà đầu tư phản ứng dưới mức cần thiết

Barberis, Vishny và Shleifer tin rằng thỉnh thoảng NĐT cũng mắc những sai lầm là phản ứng chưa đủ/dưới mức cần thiết đối với những loại thông tin tài chính. Gỉa sử một công ty công bố lợi nhuận của nó trong quý 1/2017 vừa rồi cao một cách đột biến. Bằng chứng cho thấy NĐT xem đây là tin tốt và đẩy giá cổ phiếu lên cao hơn, nhưng ở mức độ nào đó, lại không đủ cao. Sáu tháng tiếp theo, giá cổ phiếu này sau các nhịp điều chỉnh xen kẽ lại từ từ leo lên mức giá cao mà nó nhẽ ra phải đạt được khi thông tin lợi nhuận cao trong quý 1/2017 được công bố. Những người đã mua cổ phiếu này ngay tại thời điểm thông tin được công bố và sẵn sàng nắm giữ mooth thời gian dài sẽ gặt hái được lợi nhuận từ nó và tận hưởng thành quả lợi nhuận cao.

Tương tự, Nguyên tắc phản ứng dưới mức cần thiết được áp dụng trong trường hợp có xuất hiện tin xấu. Nếu tin xấu được công bố - như một công ty thông báo cắt giảm mức cổ tức của nó – sau đó giá cổ phiếu sẽ giảm. Tuy nhiên, nó lại giảm không đủ mức tại thời điểm ra tin, thay vào đó lại giảm từ từ trong vài tháng. Trong cả 2 trường hợp, khi NĐT đối diện với tin tốt hoặc tin xấu, NĐT phản ứng dưới mức cần thiết với những tin tức này và chỉ từ từ phản ánh nó vào giá trong một thời gian dài. Điều này cho thấy thị trường không hiệu quả. Vậy NĐT thông minh nên chấp nhận chiến lược giao dịch nào? 

Trong dài hạn, NĐT nên tập trung tìm kiếm cơ hội ở các cổ phiếu giá trị, những cổ phiếu đang được thị trường định giá thấp (theo lý thuyết phản ứng thái quá); nhưng trong ngắn hạn, dự đoán tốt nhất về lợi nhuận của một cổ phiếu dựa trên 6 tháng trước đó (lý thuyết phản ánh dưới mức cần thiết). Vishny giải thích: “Trong ngắn hạn, bạn muốn mua sự tương quan mạnh”. Điều này có vẻ mâu thuẫn, nhưng chúng ta có thể giải thích cả hai sự thật này bằng cách sử dựng một vài mô hình tâm lý cơ bản và xây dựng thành một mô hình làm thế nào để mọi người thực hiện kỳ vọng của họ đối với thu nhập tương lai”.

Bằng chứng tâm lý 

Thông thường NĐT thường quá nhanh trong việc phát hiện ra các mẫu hình vốn dĩ không đại diện được cho chuỗi dữ liệu. Trong thực tế, những thay đổi dài hạn trong lợi nhuận của một công ty thường đi theo các mô hình ngẫu nhiên. Tuy nhiên, khi người ta thấy doanh thu của công ty tăng liên tục trong nhiều năm, họ tin rằng họ đã phát hiện ra một xu hướng và nghĩ rằng nó sẽ tiếp tục. Sự lạc quan thái quá này khiến giá cổ phiếu bị đẩy lên mức quá cao và tạo ra những hiệu ứng như trong lý thuyết phản ứng thái quá của Barberis và Vishny. Chẳng hạn một doanh nghiệp có chu kỳ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ấn tượng tầm 25%/năm trong 3-5 năm vừa rồi, NĐT lạc quan tiếp tục dự phóng DT và LN của nó trong các năm tiếp theo sẽ tiếp tục tăng trưởng như cũ và đưa ra một mức định giá cao chót vót dựa trên những giả định rất lạc quan. Nhưng thực tế, rất nhiều yếu tố tác động đến tiềm năng của DN trong tương lai và liên tục thay đổi khiến tốc độ tăng trưởng của nó chậm lại.
Ngược lại, cũng có những khuynh hướng phổ biến trong quá trình xử lý thông tin của con người, đó là khuynh hướng phản ứng quá chậm trước những thông tin mới. Sự bảo thủ, đã cho thấy rằng, khi một cá nhân bị ấn tượng bởi một điều gì đó, thì họ sẽ chậm thay đổi các ấn tượng ban đầu đó khi đối diện với những thông tin và chứng cứ mới. Họ trở nên phản ứng dưới mức cần thiết trước các thông tin tiêu cực/tích cực, họ vẫn hoài nghi về các thông tin mới và chỉ dần dần cập nhật quan điểm của họ.

Lời Khuyên

Bởi vì sự bảo thủ là một sai lầm thuộc nhận thức, những lời khuyên và thông tin có thể điều chỉnh hoặc làm giảm tác động của nó. Cụ thể, trước tiên NĐT phải tránh bám theo các dự báo. Họ cũng phải chắc phản ứng một cách quyết đoán với những thông tin mới. Điều này không đồng nghĩa với việc NĐT phản ứng một cách nóng vội mà thiếu sự phân tích cẩn thận. Tuy nhiên, khi quá trình làm việc thông minh trở nên rõ ràng thì quyết định nên được đưa ra một cách kiên quyết và không do dự. 
Ngoài ra, các NĐT nên tìm kiếm các lời khuyên từ các chuyên gia, để giải thích mức độ tác động của những thông tin mới mà họ cảm thấy khó khăn trong việc hiểu. 
Khi thông tin mới xuất hiện, hãy tự hỏi: Thông tin này tác động như thế này đến dự báo của tôi? Liệu nó có thực sự gây nguy hiểm cho dự báo của tôi không? Nếu NĐT có thể trả lời những câu hỏi này một cách thành thật, thì họ sẽ khắc chế đáng kể khuynh hướng bảo thủ. Khuynh hướng bảo thủ có thể ngăn chặn các quyết định tốt, và NĐT nên lưu ý đến bất kỳ khuynh hướng nào mà họ đang thể hiện cho thấy họ đang bám vào các quan điểm cũ, phản ứng chậm với các thông tin mới. Cung cấp lời khuyên chuyên nghiệp, chất lượng cao là cách tốt nhất mà nhà tư vấn giúp cho khách hàng tránh được những sai lầm của khuynh hướng phổ biến này.

VIET EURO 

Biên soạn từ “Behavioral Finance and Wealth Management”. Micheal M.Pompian.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét