19/4/17

LUẬN VỀ THỊ TRƯỜNG: TƯƠNG QUAN CUNG – CẦU


nguyên lý cung cầu về chứng khoán
Bài viết này bàn về các yếu tố cấu thành giá cổ phiếu trên thị trường, giá cả cổ phiếu trên thị trường cấu thành từ những yếu tố nào? Khi nào thị trường đạt đỉnh? Sóng B (Bulltrap) hình thành như thế nào? Không cần biết bạn theo trường phái nào! Phân tích cơ bản hay phân tích kỹ thuật, đầu tư hay đầu cơ!
Cuối cùng bản chất vận động của thị trường cũng quay về quy luật tất yếu của nó: TƯƠNG QUAN CUNG – CẦU.

Sau nhiều năm thực nghiệm đầu tư, diễn giải biến động của thị trường/cổ phiếu dưới góc độ phân tích cơ bản hay phân tích kỹ thuật. cuối cùng tác giả cũng quay về với những quy luật cơ bản nhất trong kinh tế học.

Tại sao lại là: TƯƠNG QUAN CUNG – CẦU?

Chúng ta đều đã biết giá cả của bất cứ loại hàng hóa nào cũng được cấu thành từ tương quan cung – cầu, chứng khoán cũng không phải là ngoại lệ! Cầu tăng, áp đảo lực cung thì giá tăng/thị trường tăng.
Nếu phân theo địa lý thì lực cầu trên thị trường chứng khoán Việt Nam gồm 2 thành phần: khối nội và khối ngoại. Bình quân NĐT NN chiếm 20% giá trị GD trên thị trường, như vậy sự vận động của thị trường sẽ bị chi phối chủ yếu bởi dòng tiền nội (80%). Nếu xét chi tiết hơn: dòng tiền nội sẽ được cấu thành từ các yếu tố sau: dòng tiền thực của NĐT rót vào thị trường và dòng tiền đòn bẩy (margin từ công ty chứng khoán, nghiệp vụ cho vay cầm cố từ ngân hàng).

Vậy nếu cầu tăng và áp đảo lực cung (bên bán) sẽ giúp thị trường/giá cổ phiếu đi lên. Nhưng liệu điều đó có tiếp diễn mãi mãi? Đến đây Tôi muốn nhắc các bạn về một quy luật kinh tế khác: định phí và biến phí. Theo đó, trong ngắn hạn định phí  là định phí (không thay đổi tức thì) nhưng về dài hạn định phí sẽ thay đổi và trở thành biến phí. Lực cầu trên TTCK cũng vậy, trong ngắn hạn, không thể ngay lập tức lực cầu gia tăng mạnh. Rõ ràng, các NĐT mới cần thời gian nghiên cứu về TTCK trước khi rót tiền vào kênh đầu tư này, các công ty chứng khoán không thể ngay lập tức huy động vốn (ngân hàng, phát hành trái phiếu) để cung ứng margin (cung ứng sức mua) cho thị trường. Do đó, trong ngắn hạn sức cầu thị trường vốn là cố định, về dài hạn lực cầu (sức mua) của thị trường sẽ biến đổi theo tính hấp dẫn của nó. Từ đó, có thể suy luận rằng, trong ngắn hạn thị trường không thể tăng mãi vì cuối cùng sức mua cũng cạn kiệt và hữu hạn, về dài hạn có thể thị trường sẽ vận động đi lên nếu nó đủ hấp dẫn. Ví dụ, về dài hạn các NĐT mới đủ thời gian ngâm cứu và đủ tự tin rót tiền vào chứng khoán giúp dòng tiền thực gia tăng, để đáp ứng nhu cầu đó, các công ty chứng khoán cũng sẽ tìm mọi cách để tăng nguồn vốn margin. Đối với chính sách của chính phủ, có thể tìm mọi cách nới lỏng các biện pháp kỹ thuật nhằm gia tăng tính hấp dẫn đối với NĐT nước ngoài để tăng thêm dòng vốn đổ vào thị trường, giúp nó tiếp tục vận động đi lên trong trung và dài hạn.

Rõ ràng, thị trường sẽ luôn vận động đi lên theo hình zig – zag, xen kẽ các nhịp tăng là các nhịp điều chỉnh để thay máu và tái tạo sức mua (lực cầu). Đó là lý do các đỉnh ngắn hạn xuất hiện, thị trường không thể lên mãi!

Quay lại câu hỏi: khi nào thị trưởng đạt đỉnh?

Trong tài chính hành vi, đã đưa ra các bằng chứng thực nghiệm rằng: thời kỳ thị trường đạt đỉnh thường đi kèm với khối lượng gia tăng mạnh, điều này phù hợp với luận điểm của tôi ở trên. Diễn giải dưới góc độ tâm lý hành vi, sau một chu kỳ uptrend, vì các NĐT liên tục chiến thắng nên dần sự tự tin thái quá khiến họ dùng tối đa đòn bẩy margin, lúc đó họ chỉ tin rằng đánh gì rồi cũng thắng. Sự tự tin thái quá khiến NĐT đẩy đòn bẩy margin đến điểm bão hòa, vì ở góc độ của bên "cung ứng sức mua" là công ty chứng khoán, trong ngắn hạn họ không thể ngay lâp tức gia tăng nguồn vốn để cung ứng cho margin. Lúc này, sức cầu đạt đến điểm bão hòa trong ngắn hạn. Thị trường không có dòng máu mới để duy trì lực đẩy. Nó bắt đầu bước vào giai đoạn chịu áp lực điều chỉnh để thải ra hàng cũ và tái tạo sức mua. Chúng ta cùng đến câu hỏi tiếp theo!

Sóng B (Bulltrap) được hình thành như thế nào?

Sóng B trong chu kỳ sóng điều chỉnh gồm 3 nhịp sóng A –B – C (nhịp giảm A – nhịp hồi kỹ thuật B – nhịp giảm C). Thật trùng hợp, sóng B thường mang tên sóng Bulltrap (chữ cái B là Bulltrap).
Trong rất nhiều bài nhận định của tôi, thường mô tả nhịp Bulltrap là nhịp sóng mà ở đó giá tăng nhưng thanh khoản dần sụt giảm ở các mức giá xanh. Điều đó được lý giải như thế nào?

Thức nhất, sóng giảm A hình thành khi sức cầu thị trường bão hòa, lực cầu suy yếu không thể tiếp tục đẩy giá cổ phiếu lên vùng giá mới, thị trường chịu áp lực và bắt đầu điều chỉnh mạnh. Xen kẽ trong các phiên giảm đó là các nhịp hồi trong phiên nhưng do lực cầu suy yếu, sức mua không còn nên thị trường phản kháng một cách yếu ớt. Tuy nhiên……

Sau các phiên giảm điểm mạnh, các NĐT kẹp hàng tại đỉnh theo các hành vi tâm lý  thực hiện chiến lược bình quân giá xuống, có thể bằng tiền mặt nộp thêm, có thể bằng dư lượng margin cuối cùng. Lúc này, đầu sóng B (phiên hồi kỹ thuật đầu tiên), lực cầu của thị trường là tổng của lực cầu bình quân giá xuống, kết hợp với những người vừa trót lỡ bán cổ phiếu trong các phiên giảm mạnh nhất cuối sóng A, vì sợ mất hàng họ lại quay lại cover chính hàng cũ. Đó là lý do, thanh khoản của phiên hồi đầu tiên của sóng B vẫn còn mạnh. Tuy nhiên, trong các phiên hồi tiếp theo, vì các NĐT đã cố gắng sử dụng hết “quyền trợ giúp cuối cùng” (tiền mặt/đòn bẩy) nên lực mua lúc này bị suy yếu trầm trọng. Vậy điều gì diễn ra tiếp theo?

Vì sức mua không còn và bị suy yếu, nhưng may mắn thay, những người kẹp hàng tại vùng đỉnh nhưng chưa bán trong các phiêm giảm mạnh của sóng A, theo tâm lý thông thường, khi thị trường hồi lại trong sóng B (Bulltrap) thì bên bán không chủ động bán ra, họ sẽ tiếp tục nắm giữ với kỳ vọng thị trường/giá cổ phiếu sẽ phục hồi lại mức cũ. Hành vi hệ thống này vô tình giúp lực cung trên thị trường suy yếu. Lúc này, lực cầu yếu – lực cung cũng yếu, tuy nhiên, sự chủ động nghiêng về bên cầu (cover hàng vừa bán, bình quân giá xuống). Giúp thị trường và giá cổ phiếu tiếp tục đi lên nhưng……………thanh khoản yếu dần!

Đó là dấu hiệu nguy hiểm! Hãy thử tưởng tượng: “quyền trợ giúp cuối cùng” hay còn gọi là “tàn dư của sức mua” đã được các NĐT sử dụng hết, thì lực đẩy nào sẽ giúp thị trường hình thành sóng mới.
Chỉ có 1 cách duy nhất trong ngắn hạn là: đạp và xả để tái tạo sức mua!

Đặc trưng của sóng B: Đèn nhà ai người nấy rạng!
Ý của tôi là gì, vì đầu sóng B, lực cầu chủ yếu được cấu thành bởi các NĐT bình quân giá xuống hoặc cover chính hàng đã bán ra. Khiến cho dấu hiệu sóng có xu hướng luân phiên, dòng nào, mã nào đã giảm đủ mạnh, NĐT sẽ lần lượt bình quân giá xuống đối với cổ phiếu mà mình đang nắm giữ, hoặc cover chính cổ phiếu đã trót bán ra các phiên giảm mạnh vừa rồi. Điều này khiến các cổ phiếu luân phiên bật tăng tại các điểm hỗ trợ, tạo hiệu ứng dường như thị trường đang bắt đầu sóng mới. Tuy nhiên, hầu hết NĐT đã lầm!

Cái chết đã được báo trước! Sóng B kết thúc, rồi thì đến sóng C…..
Sau nhịp Bulltrap của sóng B, sức mua không còn, tất cả các bên tham gia thị trường lúc này bị mắc kẹt vào tình huống nguy hiểm. Lực bán (lực cung) bắt đầu xuất hiện trở lại, tuy nhiên, lúc này nó nguy hiểm hơn tại đỉnh của sóng A, vì “tàn dư của sức mua” không còn. Giá cổ phiếu tiếp tục sụt giảm, NĐT dần mất niềm tin, lực cung gia tăng, sức kháng cự không có, lúc này TT bắt đầu rơi tự do. Đó là lý do vì sao, độ dài sóng C thường được định lượng bằng 1,68 lần độ dài sóng giảm A!
Sau sóng C, sức mua tái tạo, thị trường bắt đầu chu kỳ tăng giá mới!

Vậy tại sao thị trường rủi ro trong ngắn hạn nhưng vẫn cực kỳ tiềm năng trong dài hạn?
Như tôi đã đề cập ở đầu bài, trong giai đoạn hiện nay Chính Phủ đang cố gắng thúc đẩy tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán, để quá trình cổ phần hóa/thoái vốn của doanh nghiệp Nhà nước được thuận lợi nhất (giá tốt nhất). Bên cạnh việc đưa các cổ phiếu/hàng hóa chất lượng lên sàn, Chính Phủ cố gắng thực hiện các biện pháp kỹ thuật để kích cầu (nới room, chứng khoán phái sinh), thu hút dòng tiền của NĐT nội và của khối ngoại đổ vào thị trường. Sức mua về dài hạn sẽ tiếp tục gia tăng. Các biện pháp nới lỏng nhằm đưa thị trường CK VN lên thị trường mới nổi. Đó là lý do vì sao TTCK Việt Nam vẫn còn rất hấp dẫn trong trung và dài hạn. Nhưng khoan! Xin hãy cảnh giác trong ngắn hạn…….

Từ VĨ MÔ chuyển sang Vi Mô

Gác qua quy luật thị trường chung, tác giả muốn chia sẻ quy luật vận động của giá cổ phiếu trên thị trường. Một trong những nhận thức/phương pháp giúp tôi gia tăng đáng kể hiệu quả đầu tư là nhờ tách biệt giá cổ phiếu thành 2 cấu thành: thành phần đầu tư và thành phần đầu cơ.
Theo đó, giá cổ phiếu trên thị trường được cấu thành từ 2 lực đẩy: lực đẩy đầu tư và lực đẩy đầu cơ.

Ví dụ: cổ phiếu TCM đang có giá 40 (tháng 7/2015) trên thị trường, thì trong đó gồm 2 thành phần: các NĐT – những người bằng các phương pháp định giá cơ bản kết luận rằng, TCM phù hợp với giá 25. Đương nhiên, các NĐT giá trị bằng các phương pháp và giả định khác nhau sẽ cho ra các kết quả định giá khác nhau. Tuy nhiên, để đơn giản chúng ta giả định rằng, giá bình quân của tất cả các NĐT giá trị là 25. Và giả sử các NĐT là lý trí, họ sẽ đẩy giá cổ phiếu lên 25 và bán ra tại mốc này (mua khi giá thị trường còn dưới giá trị là 25).
Thành phần thứ 2, các nhà đầu cơ, bằng các phương pháp giao dịch theo xu hướng, tin tức nội bộ, TPP, tiếp tục kỳ vọng TCM sẽ tăng lên giá 40 và họ là tác nhân đóng góp lực cầu khiến giá TCM lên 40 (thành phần đầu cơ gây ra hiện tượng quá mua). Thời điểm này, sự lạc quan về TPP tràn lan trên các mặt báo.

Ngược lại, khi TCM sụt giảm mạnh, các NĐT định giá triển vọng cơ bản của DN, và đưa ra kết luận rằng TCM xứng đáng với giá 18. Tuy nhiên, thực tế lúc này TCM đang có giá 13, vậy giá 13 này ở đâu ra? Các nhà đầu cơ, ban đầu kỳ vọng TPP sẽ tác động tích cực lên ngành dệt may nói chung và TCM nói riêng, sẵn sàng đẩy TCM lên mức giá 40. Tuy nhiên, khi TPP thất bại, nhà đầu cơ quay sang bán tháo TCM, các tin tức tiêu cực, và sự đồn thổi thái quá xuất hiện tràn lan. Bất chấp giá trị nội tại của TCM xứng đáng với mức giá 18. Sau một thời gian kiên trì nắm giữ (không dám cắt lỗ), NĐT rơi vào trạng thái cạn kiệt niềm tin và họ chuyển sang bán TCM bằng…. mọi giá. Sau khi bán, họ bị ám ảnh và hầu như không còn chú ý đến nó nữa, khi các NĐT khác nhắc đến TCM, những người bị thua lỗ TCM sẽ cố gắng lãng tránh, họ đưa ra các quan điểm bi quan thái quá về mã cổ phiếu này (hiện tượng quá bán). Lúc đó, cơ hội xuất hiện!

Nếu bạn hiểu ý tưởng và thông điệp tôi muốn truyền tải trong phần “Từ VĨ MÔ chuyển sang Vi Mô”. Tôi tin, sẽ giống như tôi bạn bắt đầu nhận thấy cơ hội xuất hiện trên thị trường, tại các nhóm ngành và cổ phiếu sụt giảm mạnh một thời gian dài. Bản thân tác giả đã trải qua và tận dụng các cơ hội như vậy trên thị trường nên hôm nay mạn phép chia sẻ.


P/S: dù bạn thuộc trường phái CƠ BẢN hay KỸ THUẬT thì hãy luôn nhớ rằng ngưỡng hỗ trợ tốt nhất của một cổ phiếu là: GIÁ TRỊ NỘI TẠI của nó!

VIET EURO

2 nhận xét:

  1. http://cafef.vn/ssi-phat-hanh-300-ty-dong-trai-phieu-bom-tien-vao-hoat-dong-kinh-doanh-20170424192411954.chn
    SSI tăng vốn để cung ứng sức mua!

    Trả lờiXóa