![](http://www.vietdvm.com/images/easyblog_articles/803/khung-hoang.jpeg)
Có
dịp đọc được bài báo với tựa đề “Bất động sản trở thành chiến trường mới của
người dân Trung Quốc”. Trong thời điểm kinh tế Trung Quốc đang bước vào thời kỳ
đình trệ, sự lo ngại bất ổn tài chính trên toàn cầu gia tăng, tôi viết bài này
nhằm suy nghiệm một chút về cơn sốt Bất động sản hiện nay của Trung Quốc và tự
đặt ra câu hỏi: “Liệu bong bóng BĐS của Trung Quốc đang được bơm quá căng?” và
hệ lụy của nó sẽ như thế nào nếu bong bóng này vỡ ra?
Thời
điểm này, kinh tế Trung Quốc tiếp tục đón nhận tin xấu khi xuất khẩu tiếp tục sụt
giảm trầm trọng, theo báo cáo mới nhất: xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm mạnh
nhất từ năm 2009, với mức sụt giảm 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái. GDP của nền
kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang có xu hướng chững lại. TTCK sụt giảm mạnh, đôi
lúc vượt quá sự kiểm soát của cơ quan điều hành của quốc gia này. Trong bối cảnh
đó, tại sao giá đất của Trung Quốc tiếp tục leo thang? Phải chăng đây là cơn sốt
ảo? Điều tồi tệ nhất sắp ập đến thị trường BĐS cũng như nền kinh tế của quốc
gia này?
Nhìn
lại cơn sốt đất của Trung Quốc hiện nay và đối chiếu với cơn sốt đất của vài
thành phố lớn của Việt Nam năm 2008, hoặc cơn sốt BĐS mà cụ thể là bong bóng “giấy
lộn” CDS của Mỹ trước khi cuộc khủng hoảng nhà đất ở Mỹ diễn ra chúng ta có thể
thấy sự tương đồng rõ nét. Nếu ở Việt Nam, cơn sốt BĐS vẫn còn âm ỉ, kéo dài đến
tận năm 2008-đầu 2009, thì trước đó TTCK đã sụt giảm mạnh từ tháng 3/2007. Còn ở
Mỹ, mặc dù khả năng chi trả tín dụng nhà đất của người dân Mỹ sụt giảm trầm trọng
nhưng lúc đó các chứng chỉ CDS vẫn tiếp tục tăng giá cho đến khi bong bóng thực
sự vỡ ra.
Nhìn
lại Trung Quốc, TTCK của nước này sụt giảm mạnh từ tháng 7/2015 nhưng đến tháng
3/2016, cơn sốt đất vẫn tiếp diễn tại các thành phố lớn của quốc gia này. Tại
Thâm Quyến, giá nhà đất đã tăng 4% trong tháng 1/2016 và tăng 52% so với 1 năm
trước đó. Trong khi 1 năm qua, giá BĐS tại Thượng Hải và Bắc Kinh tiếp tục leo
thang lần lượt là 18% và 10%. Trong khi tại các thành phố nhỏ giá nhà đất có xu
hướng giảm. Vậy cái nào là thật, cái nào là ảo?
Thử
suy nghiệm một chút, so sánh sự tương quan của giá cả nhà đất và sự vận động của
nền kinh tế TQ hiện nay. Thông thường, chi tiêu của 1 phụ thuộc vào mức thu nhập
thực tế hiện tại và mức thu nhập kỳ vọng ở tương lai. Hiện nay, nền kinh tế TQ
đang có xu hướng chững lại, GDP sụt giảm như vậy mức thu nhập thực tế của người
dân đang vận động theo xu hướng giảm. Còn thu nhập kỳ vọng thì sao? Nó đến từ
nhiều nguồn, thu nhập từ TTCK, kỳ vọng thu nhập từ đầu cơ BĐS,…triển vọng kinh
tế,… Nhưng hiện nay TTCK TQ đang trong thời kỳ sụt giảm mạnh, rõ ràng thu nhập
của người dân trong lĩnh vực này đang teo lại, nhiều NĐT đã mất hơn 50% tài sản
kể từ tháng 7/2015. Thu nhập thực tế giảm, kỳ vọng giảm, nhưng giá nhà đất lại
tiếp tục tăng, nên một nguồn thu nhập khác được bù đắp từ chính việc đầu cơ
BĐS. Chính điều này đang bơm căng bong bóng BĐS tại quốc gia này, đó là một tín
hiệu cực kỳ nguy hiểm. Giá đất đang đi ngược với quy luật vận động của nền kinh
tế thực. Thu nhập giảm, đương nhiên nhu cầu BĐS thực phải giảm theo, nhưng giá
BĐS tại TQ lại tiếp tục sốt, các công ty BĐS lại đang hào hứng với trào lưu
nguy hiểm này, các ngân hàng TQ đang tiếp tục cao hứng khi nới lỏng các gói cho
vay vào lĩnh vực BĐS. Đến một lúc nào đó, bong bóng này vỡ ra thì sao? Hệ lụy
nó đối với nền kinh tế toàn cầu và khu vực Đông Á như thế nào khi TQ là nền
kinh tế lớn thứ nhì thế giới?
Chúng
ta thử giả định: Bong bóng BĐS của TQ sẽ vỡ ra, kéo theo sự khó khăn đối với
các doanh nghiệp thép, xây dựng, xi măng của nước này, trong khi xu hướng xuất
khẩu đang giảm mạnh thì khó khăn chồng chất khó khăn. Chỉ với lượng tồn kho nhỏ
của quốc gia này tràn ra bên ngoài cũng đủ làm các quốc gia khác điêu đứng. Kéo
theo đó là sự bất ổn của hệ thống ngân hàng khi hệ quả của việc cao hứng của họ
ngày hôm nay rốt cuộc rồi cũng sẽ đến. Tất cả trở thành một vòng xoáy, dẫn đến
nhu cầu sụt giảm mạnh ở các lĩnh vực khác.
Thực
sự tôi không đủ trình đo lường được tác động của nền kinh tế TQ đến kinh tế khu
vực và toàn cầu sẽ ở mức nào. Nhưng trong vòng vài năm tới, gần thôi, có thể
chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc khủng hoảng mới khi dư âm của cuộc khủng hoảng
tài chính Mỹ vẫn còn đây!
VIET EURO