16/3/16

CHUNG JU YUNG - Không Bao Giờ Là Thất Bại – Tất Cả Chỉ Là Thử Thách

Không Bao Giờ Là Thất Bại – Tất Cả Chỉ Là Thử Thách – cuốn tự truyện của cố chủ tịch tập đoàn Huyndai – Chung Ju Yung, một trong những cuốn tự truyện đầy cảm hứng về tinh thần doanh nhân. Nó là một trong những những cuốn sách truyền động lực hay nhất mà tôi từng đọc. Thích hợp cho những bạn đọc, cần tiếp thêm nguồn động lực để dấn thân vào một dự án kinh doanh hoặc khởi nghiệp nào đó.

Cũng nhân dịp năm 2016 được xem là năm khởi nghiệp của Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân nhỏ, nên đây là thời điểm thích hợp để tôi nhắc lại tinh thần doanh nhân, ý chí tiến thủ, không ngại thử thách của cố chủ tịch tập đoàn Huyndai. Chính tinh thần ấy đã đưa Huyndai trở thành một trong những tập đoàn dẫn đầu ngành công nghiệp nặng Hàn Quốc, khai phá ra những vùng đất mới, giúp quốc gia này có những bước đột phá đáng kể trong điều kiện khó khăn. Hầu như tại các quốc gia phát triển, chính tinh thần khởi nghiệp len lỏi trong nhân dân và từ các doanh nghiệp nhỏ, nó là đòn bẩy, đóng góp đáng kể vào sự phát triển tại các quốc gia này. Nếu như ở Mỹ, có luật phá sản cá nhân (bảo vệ họ khỏi các chủ nợ, kể cả giới xã hội đen trong trường hợp họ mất khả năng chi trả), điều này khích lệ tinh thần khởi nghiệp ở hầu hết các cá nhân, vì nếu họ thất bại thì cùng lắm họ trở về con số không, nhưng nếu thành công – điều họ đạt được là vô hạn. Hay ở “Quốc gia khởi nghiệp” Israel, nơi mà người già sẵn sàng cởi mở và bàn với giới trẻ về những ý tưởng kinh doanh và khởi nghiệp. Từ đất nước có khí hậu khắc nghiệt và khô cằn, tài nguyên thiên nhiên ngèo nàn nhưng quốc gia này đã vươn mình với những bước phát triển thần kỳ về nông nghiệp, chiếm phần lớn sản lượng nông sản xuất khẩu vào Châu Âu, thậm chí còn được mệnh danh là thung lũng Silicon thứ 2. Nhật Bản, quốc gia bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh thế giới thứ hai, với tinh thần tự tôn dân tộc, Nhật Bản đã đứng lên từ đống đổ nát và trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Tất cả, đều từ tinh thần tiến thủ của các doanh nghiệp và nhân dân của quốc gia đó.

Bên dưới là các trích đoạn mà tôi khá tâm đắc -  trích từ cuốn sách “Không Bao Giờ Là Thất Bại – Tất Cả Chỉ Là Thử Thách”. Qua đó, chúng ta thấy được tinh thần ham học hỏi, ý chí tiến thủ, lý tưởng sống cao đẹp, gắn lợi ích của cá nhân, doanh nghiệp với lợi ích của cộng đồng, quốc gia và dân tộc. Nếu được, các bạn nên mua cuốn sách này để cảm nhận hết tính ly kỳ, thú vị của những ngày đầu khởi nghiệp của cố chủ tịch tập đoàn Huyndai - Chung Ju Yung.

Trích dẫn:   Không Bao Giờ Là Thất Bại – Tất Cả Chỉ Là Thử Thách

Đây là một minh chứng sống về ý chí và năng lực không giới hạn của con người khi đã có lòng nhiệt huyết, say mê – một người đã xem những thất bại – cho dù là thất bại đắng cay nhất – không phải là thất bại mà chỉ là thử thách của cuộc sống tôi rèn bản lĩnh của chính mình. Chúng ta sẽ biết đến câu chuyện tưởng chừng hoang đường của một người nông dân muốn thay đổi cuộc đời làm ruộng định sẵn của mình.
 
Hãy ước mơ, kiên định và quyết tâm thực hiện ước mơ của mình, không dừng lạiđi trọn con đường đã chọn. Tinh thần tiến thủ và niềm tin chính là “chìa khóa để làm nên kỳ tích”.

Động lực nào đã đưa Huyndai trở thành doanh nghiệp phát triển vượt bậc, mang tầm cỡ thế giới? Vì chúng tôi là một tập thể tập hợp những người có chí vươn lên và tinh thần tìm tòi cái mới một cách hăng say.

Xét theo các nguyên lý về kinh tế, tất cả những gì sẵn có tại Hàn Quốc hầu như không tạo điều kiện để phát triển mạnh một lĩnh vực nào. Chẳng có tài nguyên, chẳng có vốn và cũng chẳng có sự tích lũy kỹ thuật nào để có thể chiến thắng trong cuộc chiến cạnh tranh. Tuy vậy ngành công nghiệp của chúng tôi phát triển được như ngày hôm nay là kết quả của sự nỗ lực, tinh thần gánh vác sứ mệnh khác của chúng tôi. Cùng với tính mạo hiểm và óc sáng tạo, ý chí tiến thủ đã giúp chúng tôi bù đắp những thiếu thốn của mình.

Nếu chúng ta chần chừ bước vào những lĩnh vực mà chúng ta còn thua kém hay chưa biết, hoặc chúng ta lẩn tránh những công việc mệt nhọc là chúng ta đang tự xếp mình vào nhóm người theo chủ nghĩa thất bại. Có thể đó là một việc mạo hiểm vô cùng nhưng nếu không chấp nhận mạo hiểm, chúng ta sẽ thụt lùi và bị nhấn chìm trong những gì mình đang có.

Tại sao không bước ra thế giới mới mẻ và rộng lớn để thử thách và mạo hiểm thay vì cứ khư khư bám theo cái suy nghĩ hạn hẹp rằng nếu thoát khỏi cuộc sống nông thôn gia môn mà tổ tiên truyền lại tất sẽ bại vong?
Không phải vì cha không có lý, nhưng nếu cứ sống như cha thì làm sao mà Napoleon xuất hiện được.

Từ một kẻ chẳng có một đồng vốn, tôi đã trở thành chủ của cửa hàng ở tuổi 22 chỉ bằng uy tín tích lũy trong 4 năm trời.

Cú sốc đó với tôi thật lớn, nhưng tôi có được một điều quý giá hơn. Đó chính là niềm tin: nếu toàn tâm toàn ý dốc sức thì bất cứ việc gì cũng có thể thành công. Bài học này tôi đã kiểm nghiệm trong thực tế.

Việc cho rằng số phận con người được quyết định bởi thời điểm sinh ra thật là buồn cười. Chính nỗ lực của chúng ta trong cuộc sống mới quyết định đến việc thành công hay thất bại mà thôi. Nỗ lực đó thể hiện ở chỗ gặp dịp tốt không bỏ lỡ và gặp lúc khó khăn thì không xem đó là rủi mà cố gắng vượt qua để tiến bước. Người lười nhác hay đổ lỗi cho số phận, đến khi gặp cơ hội cũng do lười nhác mà để cơ hội trôi qua, để rồi sống mà suốt đời chẳng có một chút may mắn nào.

“Anh có thể làm được cái gì?” – “Tôi có thể làm được mọi thứ”.

Với tôi, uy tín chính là tài sản của người kinh doanh, chính vì vậy dù có lỗ thì cũng phải giữ lời hứa, nhất định phải hoàn thành. Làm ăn thất bại thì vẫn có thể vươn lên lại, chứ làm người một lần đánh mất uy tín coi như mất tất cả. Dù có thế nào cũng phải xem đẩy chỉ là sự thử thách, nếu giơ tay đầu hàng ngay và chần chừ thì sẽ thất bại mãi mãi.

Tôi vốn là người lạc quan trong mọi hoàn cảnh, vậy mà lúc đó cũng thấy cùng đường.
Con người luôn muốn mình lười nhác ở một mức vừa phải nào đó, muốn vui ở một mức vừa phải nào đó và muốn thoải mái ở một mức vừa phải nào đó. Tuy nhiên, không gì lãng phí bằng để thời gian trôi đi mà không làm gì cả. Với một doanh nghiệp thì điều đó hoàn toàn đúng, có hành động thì mới có kết quả. Chỉ tập trung những người có đầu óc thông minh lại ngồi với nhau và suy nghĩ không thôi thì doanh nghiệp không thể lớn mạnh được. Phải hành động.

Mạo hiểm đem lại sức mạnh cho một tổ chức lớn. Điều ấy đã trở thành “kinh chỉ nam” cho sự biến chuyển của Huyndai.

Dân kinh doanh đều muốn tìm những công việc mới mẻ và lớn lao để làm. Họ luôn mong muốn doanh nghiệp mình gầy dựng tồn tại vĩnh viễn ngay cả khi họ không còn nữa. Trong ước mong đó của tôi thì một trong những việc lớn chính là đóng tàu. Khi một doanh nghiệp bắt tay vào một công việc mới mẻ thì cái mà họ phải tính tới đầu tiên là phải đảm bảo nguồn nguyên liệu, kế đó là đơn giản hóa các công đoạn và thứ ba là việc khai thác để đầu ra dễ dàng.

Quyết tâm của tôi càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, có một trăm người thì nhất loạt một trăm người phản đối. Chẳng có lấy một người nào đứng về phía tôi. Nếu ta nhìn nhận sự việc là khó khăn thì nó sẽ vô cùng khó khăn, còn nếu tin rằng nó đơn giản thì lại thấy dễ vô cùng. Chúng tôi chỉ quan niệm đơn giản rằng thuyền là một cái thùng sắt lớn.

Trong kinh doanh chẳng bao giờ có an toàn tuyệt đối, doanh nghiệp đứng một chỗ chẳng khác nào thụt lùi. Phải dẫn đầu tấn công và tìm chỗ đứng cho mình. Nếu chần chừ thì chỉ đi sau người khác và phải tranh giành thị trường với các công ty đã nắm độc quyền, và kết cục là chỉ ăn những thứ vụn vặt mà thôi.

Khi đi xin việc do sợ rằng đòi hỏi như vậy thì khó có việc làm nên dù mức lương thấp họ vẫn chấp nhận mà chẳng có ý kiến gì. Tuy nhiên, con người nếu chưa đạt được mức lương mình mong muốn thì chưa thể phát huy được tối đa năng lực của mình bất kể đó là người có học hay không.

Ở trường đại học, người ta thường học lý luận, vào thực tế thì chỉ biết dựa vào lý luận chứ không biết làm thế nào khác, hoàn toàn không có tự tin. Nếu làm theo lý luận dạy tại trường học thì không tránh khỏi lãng phí bao nhiêu tiền bạc và thời gian.

Nguyên tắc xài tiền là tiền ít hay nhiều không nên để lộ ra ngoài.

Nhà điều hành doanh nghiệp nào đặt lợi ích của doanh nghiệp mình trên lợi ích của đất nước, xem trọng giá trị vật chất hơn giá trị tinh thần thì không thể thành công lớn được.

Sau khi cơn bão ấy đi qua, giải quyết xong mọi chuyện tại tòa án, tôi cắn răng chịu đựng, lặng im trong sự phê phán và buộc tội khắc nghiệt của xã hội. Trong số cán bộ công ty tôi, có người có ý kiến là phải đứng ra giải thích chứ không thể im lặng thế này, nhưng tôi trả lời rằng im lặng là tốt nhất.

Để hoàn thành tốt công trình trên một đất nước xa lạ thì phải khắc phục tất cả sự khác biệt về văn hóa như tâm sinh lý, phong tục, ngôn ngữ, pháp luật, đồng thời lại phải thiết lập được mối quan hệ tố đẹp với người dân, quan chức tại đó, phải quen với phong thổ và khí hậu nơi ấy đồng thời phải tiến hành công việc với đúng dự toán ban đầu. Chúng tôi chẳng hề biết cái nóng ở Ả Rập, cái lạnh của vùng Alaska như thế nào, cũng chẳng biết sóng và bão của Ấn Độ Dương đáng sợ ra sao mà vẫn cứ bước vào để khai thác dầu tại đây. Tuy nhiên, khi vượt qua cái thử thách khắc nghiệt đó thì chúng tôi đẩy lùi được chúng và học được những bài học sống trở nên mạnh mẽ hơn.

Người nghèo muốn trở nên giàu phải chiến thắng trong điều kiện bất lợi nhiều hơn so với người đã giàu muốn giàu có hơn. Nếu không nỗ lực gấp mười lần, hai mươi lần so với người giàu để khắc phục hoàn cảnh bất lợi thì không thể giàu được.

Huyndai chúng tôi không phải là tập hợp những kẻ đi buôn, chúng tôi là tập thể đóng vai trò dẫn đầu trong việc phát triển kinh tế đất nước. Tôi nghĩ nếu Huyndai chúng tôi không loàm vai trò đó thì nền kinh tế của đất nước sẽ đi chậm ít nhất từ 10 đến 20 năm.

Không phải vì anh không có vốn mà vì anh không có sự uy tín. Tôi không nói người ta xấu mà chỉ vì những người anh xin vay tiền không cảm thấy đủ tin tưởng anh nên chuyện vay tiền mới khó như vậy. Nếu anh tạo cho người ta đủ niềm tin rằng anh sẽ thành công thì tôi tin rằng tiền bao nhiêu cũng có.

Một ngày làm việc cần cù thì một đêm có thể ngủ được ngon giấc, một tháng cần cù thì sẽ thấy cuộc sống của mình đi lên, một năm, hai năm, ba năm, cả cuộc đời cần cù thì sẽ thấy sự phát triển to lớn. Sự cần cù chính là tính trung thực của cuộc đời chúng ta, chúng ta không cần cù thì sẽ không có uy tín.
 Ngày mai phụ thuộc vào cuộc sống ngày hôm nay. Chúng ta tin rằng người nào nhiệt tình làm những việc nhỏ thì những việc lớn họ cũng như vậy. Những người ngay cả chuyện nhỏ không thất hứa và thực hiện thì việc lớn cũng đáng tin cậy. Người nỗ lực hết sức vì việc nhỏ cũng sẽ hết sức vì việc lớn. Đó chính là uy tín!

Tôi nghĩ trong điều kiện và cơ hội bình đẳng như nhau, thành công và thất bại thuộc về trách nhiệm của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, con người thường nói về sự thiếu công bằng và cảm thấy không hài lòng vì điều ấy trước khi nói đến năng lực cá nhân.

Về sau dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng xưởng đóng tàu Ulsan xuất phát từ câu nói “Có thể làm được” mà thành. Một quốc gia cũng vậy. Nhân dân đất nước nghĩ rằng họ có thể thì mới làm cho đất nước mình giàu mạnh, phồn thịnh. Đây chính là quy luật của nhân loại. Và xưởng đóng tàu Ulsan chính là tiêu bản và tượng trưng của qui luật đó. Vì vậy tôi thường nghĩ quan trọng nhất là con người có ý chí hay không mà thôi.

Muốn biết một doanh nghiệp có lành mạnh hay không thì nhìn vào cuộc sống riêng tư của chủ doanh nghiệp sống một cách lành mạnh thì doanh nghiệp đó cũng lành mạnh, và ngược lại, chủ doanh nghiệp sống không lành mạnh thì doanh nghiệp đó cũng không thể lành mạnh được.

Muốn chúng nó nên người thì phải nuôi dạy chúng nó như tất cả mọi người dân khác. Có như vậy sau này khi làm được việc tốt, chúng mới cảm nhận được niềm hạnh phúc.

Muốn cho tinh thần khỏe mạnh thì đầu tiên cơ thể phải khỏe mạnh trước đã. Tôi nghĩ rằng nếu một con người có thân thể khỏe mạnh và một tinh thần khỏe mạnh thì có thể biến mọi ước muốn của mình thành hiện thực.

Hồi 18 tuổi, khi lao động tại các công trình, khát vọng được làm bất cứ điều gì để kiếm thêm tiền cho một cuộc sống tốt đẹp hơn thật là lớn, rồi khi kinh doanh cửa hàng gạo, vấn đề lớn nhất của tôi chính là làm thế nào để có lời nhằm duy trì sinh kế gia đình. Nhưng khi buôn bán rồi thành nghề, thành công ty thì tôi suy nghĩ về công việc nhiều hơn tiền bạc. Làm thế nào để duy trì và nuôi dưỡng công việc kinh doanh luôn là mới quan tâm của tôi. Khi ấy tôi không nghĩ nhiều đến tiền nữa.

Tôi lại càng hiểu tiền không phải là mục đích, cũng không là hạnh phúc của con người. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ hoàn toàn rút lui vào một lúc nào đó. Việc tôi phải làm còn nhiều lắm. Để làm được nhiều việc hơn nữa, cần phải tiếp tục giữ gìn sức khỏe, dù đến một ngày nào đó tôi không có việc gì để làm nữa và phải rút lui khỏi công việc thì tôi cũng không muốn để thời gian trôi qua một cách vô ích. Bời vì, tôi không thể quên được cha tôi, mùa đông cũng không nghĩ, đào từng gang đất, từng gang đất trên ruộng tuyết. Tôi tự hỏi bao giờ mới được trở lại thời niên thiếu, được lái máy cày trên nông trường Sesan.


VIET EURO