20/10/15

NHẬT KÝ CHỨNG TRƯỜNG KỲ 1: GIAI ĐOẠN 11/08-15/10/2015

Nhật ký chứng trường nhằm tường thuật lại những biến động đáng chú ý của thị trường trong từng giai đoạn; cùng với đó là những diễn biến tâm lý và hành động của thị trường tại những mốc quan trọng. Từ đó, sàng lọc kinh nghiệm đầu tư và hoàn thiện hệ thống quản trị rủi ro, tận dụng triệt để cơ hội từ những đợt biến động mạnh của thị trường. Thậm chí có thể chuyển hóa đợt sụt giảm của thị trường thành cơ hội kiếm lời cực tốt.



Trong giai đoạn 11/08-15/10/2015 thị trường có những sự kiện đáng chú ý như sự kiện Trung Quốc phá giá đồng NDT khiến các TTCK trên thế giới chao đảo, TTCK Việt Nam cũng là nạn nhân với đợt sụt giảm gần 100 điểm. Sau đó là sự lên ngôi của nhóm cổ phiếu “Siêu giá trị” trong giai đoạn thị trường sideway trong vùng giá cân bằng mới từ 1/9 đến 10/10. Cuối cùng là sự kiện nổi bật TPP chính thức được thông qua, tạo động lực đẩy thị trường tăng trong ngắn hạn, hút dòng tiền quay lại thị trường.

 Từ 11/8 đến 19/8: Cú shock tỷ giá đến từ Trung Quốc

Ngày 11/8/2015: Trung Quốc phá giá đồng NDT hơn 4% gây tâm lý hoang mang trên thị trường, chứng khoán toàn cầu đỏ lửa sau thông tin này. Phản ứng với lo ngại đó, TTCK Việt Nam có phiên điều chỉnh nhẹ, với xu hướng giằng co trong phiên ngày 11/8. Phản ứng của hầu hết NĐT lúc này là tiếp tục quan sát phản ứng của thị trường ra sao trước thông tin tiêu cực này. Tiếp đó, ngày 12/8, NHNN chính thức điều chỉnh tỷ giá thêm 1% để ứng phó với động thái phá giá từ TQ. Do tác động phá giá VND lúc này khá tiêu cực, dẫn đến áp lực rút vốn trên TTCK của khối ngoại. Hậu quả là TTCK Việt Nam hứng chịu cú shock lớn với đợt sụt giảm mạnh từ mốc 610 về 575 điểm vào ngày 18/8. Đây là mốc hỗ trợ kỹ thuật khá vững chắc tại thời điểm đó. Tuy nhiên, đến ngày 19/8, NHNN tiếp tục động thái điều chỉnh tỷ giá thêm 1% và nới biên độ tỷ giá từ 2% lên 3% gây hoảng loạn trên TTCK. Lúc đó, nhiều NĐT cho rằng thị trường sẽ được hỗ trợ tốt tại mốc vùng hỗ trợ dài hạn là 540. Nhưng sự phản ứng thái quá của thị trường đã dìm chỉ số chạm mốc 510 điểm đầu phiên ngày 25/8. Lực bắt đáy trong phiên này khá rõ ràng và VNINDEX nhanh chóng phục hồi kỹ thuật lên mốc 530 điểm vào cuối phiên.

Từ ngày 25/8 mặc dù chưa có thông tin tích cực hỗ trợ nhưng thị trường đã nhanh chóng phục hồi về mốc 560-570 điểm với đà phục hồi của hầu hết các nhóm chứng khoán. Chính thức thiết lập vùng giá “cân bằng” mới trong điều kiện không có thông tin tích cực cũng như tiêu cực.
Từ 28/8 đến 5/10: thị trường sideway trong vùng giá 560-570, nhiều nhóm cổ phiếu phục hồi lại mức giá “hợp lý” trong ngắn hạn.

Lời bình: Đứng trước những biến động lớn từ rủi ro vĩ mô, động thái và tâm lý của hầu hết các NĐT thời điểm đó là chờ xem phản ứng của thị trường rồi mới hành động. Kết quả là đến khi những khoản lỗ trong danh mục đủ lớn đến mức họ không còn đủ dũng cảm để cắt lỗ nữa và đành chấp nhận nắm giữ bất đắc dĩ với hi vọng thị trường và chứng khoán trong danh mục sẽ phục hồi lại. Kết quả là, sự phản ứng thái quá của thị trường đã nhanh chóng tàn phá danh mục đầu tư, thậm chí nhiều trường hợp phải bị call margin do dùng đòn bẩy cao trước đó. Ở góc độ khác, trong các đợt sụt giảm mạnh của thị trường thường dẫn đến sự phản ứng thái quá của hầu hết các NĐT hoặc là do áp lực margin từ các công ty CK tiếp tục dìm giá cổ phiếu xuống sâu, vô tình tạo nên cơ hội cực lớn từ những cổ phiếu giá trị, có nền tảng cơ bản tốt. Sự phục hồi kỹ thuật của thị trường với sự tăng giá lại vùng giá cũ của những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt đã chứng minh điều đó.

           Từ 1/9 đến 10/10/2015: Sự lên ngôi của nhóm cổ phiếu “Siêu giá trị”

Trong lúc thị trường sideway và thiết lập vùng giá cân bằng mới tại vùng 560-570 thì nhóm cổ phiếu “Siêu giá trị” lên ngôi. Đây đều là những cổ phiếu có vốn hóa lớn, những doanh nghiệp đầu ngành với doanh thu và lợi nhuận cải thiện tích cực trong 2 quý đầu năm và có sự đột biến trong quý III. Thời điểm ra tin KQKD quý III là từ 15/10 nhưng hầu hết những cổ phiếu thuộc nhóm “Siêu giá trị” đã bắt đầu tăng giá từ đầu và giữa tháng 9 (KQKD quý III dường như đã bắt đầu phản ánh trước đó hơn 1 tháng). Các cổ phiếu “Siêu giá trị” có sự tăng giá ấn tượng gồm BMP, CTD, SKG, NCT, VSC, VCS, DQC, LIX,…

Mặc dù giá của hầu hết các mã này nằm ở mức “khá cao” nhưng hầu như không gì có thể ngăn cản đà tăng phi mã ấn tượng của chúng.

       Từ 15/9 đến 5/10: Nhóm TPP (được hưởng lợi từ TPP) chạy trước thông tin

Trong lúc thị trường sideway quanh vùng 560-570 để chờ thêm thông tin hỗ trợ. Lo ngại lớn nhất lúc này là sự rút vốn hàng loạt của khối ngoại ra khỏi TTCK Việt Nam trong gần hai tháng trời. Ngày 5/10/2015, TPP chính thức được thông qua, tạo lực đẩy thị trường trong ngắn hạn, dòng tiền quay lại khá tích cực và dàn trải trên nhiều nhóm cổ phiếu. Đặc biệt, khối ngoại đã quay lại mua trong trong tuần ra tin đã tạo lực đỡ tâm lý khá tốt cho thị trường. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý của giai đoạn này là trong tuần giao dịch trước đó từ 1/10 đến 5/10, thời điểm các nước đang trong tiến trình đàm phán TPP thì nhóm chứng khoán có thể được hưởng lợi từ TPP đã rục rịch tăng giá để đón đầu thông tin. Đáng chú ý, dệt may có TCM, TNG; thủy sản có HVG. Ba mã chứng khoán này đã đồng pha tăng giá từ ngày 15/9 đến ngày 5/10 thời điểm TPP được thông qua. Vào phiên ra tin ngày 5/10, ba mã chứng khoán trên và nhóm đc hưởng lợi từ TPP đồng loạt tăng trần. Tiếp đó, ngày 6/10, nhóm này tiếp tục được đẩy trần đầu phiên nhưng nhanh chóng quay đầu giảm điểm khi kết thúc phiên ngày 6/10. Điều này, một lần nữa chứng tỏ phương châm “Tin ra là bán” thực sự ứng nghiệm trên TTCK Việt Nam.

Cách các mã TPP được đẩy giá khá tương đồng với nhóm ra tin nới room trước đó. Nhớ lại, tuần phục hồi từ ngày 4/8 đến 10/8 khi VNINDEX tăng từ 600 lên 610 điểm thì nhiều nhóm có liên quan đến tin đồn nới room đã có đà tăng khá ấn tượng. Tuy nhiên, đến thời điểm ngày ra tin là 10/8, khi hầu hết các thông tin còn khá mơ hồ và chưa thực sự tích cực thì nhóm này quay đầu giảm điểm.

Lời Bình: Rõ ràng, từ vụ đẩy giá của “nhóm TPP” và “nhóm nới room” cho ta thấy ý đồ của nhà cái là luôn đón đầu xu hướng, mặc dù chưa chắc chắn sắp tới sẽ là tin tiêu cực hay tích cực nhưng những nhóm cổ phiếu có liên quan đã lấy đà, tạo nền tảng rất tốt, mức tăng ngày có thể xem như là phương pháp bảo hiểm cho nhà cái trong trường hợp ra tin xấu. Ngay đến khi ra tin dù là tốt hay xấu thì hầu như là thời điểm thích hợp để tay to nhả hàng.

VIET EURO