25/4/15

CHƯƠNG I: ĐƯỜNG XU HƯỚNG - MỨC CHỐNG ĐỠ - NGƯỠNG KHÁNG CỰ

ĐƯỜNG XU HƯỚNG
       1/ Đường Xu Hướng:
Thị trường có ba xu hướng: Tăng – Giảm – Ngang.
-          Một xu hướng tăng là một chuỗi những đỉnh và đáy cao hơn liên tục.
+ Đường xu hướng tăng được hình thành bằng cách nối liền các đáy của thị trường và đáy sau cao hơn đáy trước.
+ Cách kiểm định xu hướng tăng. Nối 2 đáy của thị trường (điểm 1 và điểm 3), đáy sau cao hơn đáy trước. Điểm kiểm định sẽ là điểm 5, nếu đáy ở điểm 5 cao hơn đáy của điểm 3 thì nhà PTKT sẽ bắt đầu tham gia thị trường từ điểm 5 (đáy thứ 3). Xem hình minh họa 1.1

Hình 1.1: Cách vẽ và kiểm định xu hướng tăng
Nhấp vào hình để xem rõ hơn

-          Một xu hướng giảm là xu hướng đỉnh và đáy thấp hơn liên tục.
+ Đường xu hướng giảm được hình thành bằng cách nối các đỉnh của thị trường, đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước.
+ Cách kiểm định xu hướng giảm: Nối 2 đỉnh của thị trường ( điểm 1 và 3), đỉnh sau cao hơn đỉnh trước. Điểm kiểm định sẽ là điểm 5, nếu đỉnh ở điểm 5 thấp hơn đỉnh ở điểm 3 thì nhà PTKT sẽ bắt đầu tham gia thị trường từ điểm 5 (đỉnh thứ 3). Xem hình minh họa 1.2.

Hình 1.2: Cách vẽ và xác định kiểm định xu hướng giảm
Nhấp vào hình để xem rõ hơn

-          Các công cụ PTKT hành động theo xu hướng. Do đó, chúng được thiết kế chủ yếu với các thị trường đang tăng giá hoặc giảm giá.
-          Trong những giai đoạn thị trường đi ngang các nhà PTKT nếm mùi sai lầm lớn nhất và những nhà giao dịch hệ thống thì bị những khoản lỗ vốn cực lớn. Đứng ngoài thị trường luôn là quyết định khôn ngoan nhất. P/s: những thói quen cũng như tâm lý của những NĐT trên thị trường là luôn cố gắng tìm cái gì đó để làm với thị trường.
-          Hầu hết các phương pháp theo xu hướng tập trung vào các xu hướng trung gian từ vài tuần đến vài tháng.
       2/ Mức chống đỡ - và ngưỡng kháng cự:
-          Mức chống đỡ: là mức hoặc vùng trên đồ thị nơi sức mua mạnh hơn áp lực bán – nằm ở các mức đáy quan trọng của thị trường. Tại mức chống đỡ thị trường giằng co, hoạt động bắt đáy diễn ra mạnh và có thể khả năng giá sẽ phục hồi trở lại.
+ Trong thị trường giá lên, đường xu hướng là mức chống đỡ của thị trường. Khi giá điều chỉnh giảm chạm gần đường xu hướng nó có thể giằng co và bật tăng trở lại.
 Xem hình minh họa 2.1 và 2.2

Hinh 2.1: Mức chống đỡ là các đáy của thị trường

 Hinh 2.2: Đường xu hướng tăng đóng vai trò là đường chống đỡ
Tại ô tròn màu xanh đường chống đỡ bị phá vỡ, bắt đầu xu hướng giảm giá

-          Ngưỡng kháng cự: là vùng mà sức bán vượt quá sức mua, kỳ vọng của thị trường giảm – nằm tại các mức đỉnh quan trọng của thị trường. Tại mức chống đỡ, hoạt động phân phối diễn ra mạnh và giá có chiều hướng giảm.
+ Trong thị trường giá xuống, đường xu hướng là ngưỡng kháng cự của thị trường. Giá nếu bật tăng trở lại chạm gần đến đường xu hướng thì sẽ giằng co và có thể tiếp tục quay về xu hướng giảm. Xem hình minh họa 2.3

Hình 2.3: Đường xu hướng giảm đồng thời là ngưỡng kháng cự
Ô tròn màu xanh là điểm mà ngưỡng kháng cự bị phá vỡ

-          Sự hoán đổi vai trò: Nếu mức chống đỡ bị phá vỡ thì nó sẽ trở thành ngưỡng kháng cự của thị trường. Ngược lại, nếu ngưỡng kháng cự bị phá vỡ thì nó lại đóng vai trò mới là mức chống đỡ cho thị trường.
-          Độ tin cậy của mức chống đỡ và ngưỡng kháng cự phụ thuộc vào 3 yếu tố:
+ Khoảng thời gian vùng chống đỡ và ngưỡng kháng cự càng kéo dài thì nó càng đáng tin cậy.
+ Khối lượng giao dịch càng lớn càng đáng tin cậy.
+ Lần giao dịch gần nhất càng nhiều thì độ tin cậy càng lớn.
      3/ Độ dốc của đường xu hướng:
+ Độ dốc 45 độ được các nhà PTKT làm độ dốc chuẩn của đường xu hướng
+ Nếu đường xu hướng quá dốc: giá đang tăng quá nhanh. Như vậy không bền vững và có thể điều chỉnh trở lại.
+ Nếu độ dốc quá phẳng: xu hướng đang yếu và không đáng tin cậy.
+ Các mốc thoái lùi nếu các mức hỗ trợ bị phá vỡ được chọn từ tỷ lệ của dãy số Fibonacci: 38%, 50% và 62%. Trong đó, mốc thoái lùi 50% được các nhà PTKT chọn làm chuẩn. Xem hình minh họa 3.1

    Hình 3.1: Đường xu hướng màu đỏ quá dốc nên không bền vững, thị trường điều chỉnh về                     đường xu hướng gần với độ dốc 45 độ hơn và xác lập xu hướng tăng.

       4/ Các ngày đảo chiều: (Phần này sẽ được làm rõ hơn trong đồ thị hình nến)
-          Ngày đảo chiều đỉnh sẽ thiết lập một đỉnh mới trong ngày trong xu hướng lên nhưng mức giá đóng cửa lại thấp hơn mức giá đóng cửa ngày trước đó.
-          Ngày đảo chiều đáy sẽ tạo một đáy mới trong suốt ngày nhưng giá đóng cửa lại cao hơn giá đóng cửa ngày hôm trước.
-          Phạm vi giá của ngày càng rộng và khối lượng giao dịch càng lớn thì tín hiệu đảo chiều xu hướng ngắn hạn càng đáng kể.
       5/ Các khoảng trống giá (GAP):
-          Các khoảng trống giá là những vùng trên đồ thị hình nến (hoặc hình thanh) không có giao dịch xảy ra.
+ Trong một xu hướng lên: giá mở cửa cao hơn giá cao nhất của ngày hôm trước, để lại một khoảng trống giá mà nó không được lấp kín trong ngày. Dấu hiệu thị trường mạnh lên.
+ Trong một xu hướng giá giảm: giá cao nhất của ngày thấp hơn mức giá đáy của ngày trước đó và không được lấp kín trong ngày. Dấu hiệu cho thấy thị trường yếu đi.
-          Có 3 loại khoảng trống giá:
+ Khoảng trống Breakaway (breakaway gap): thường xuất hiện khi hoàn thành một mẫu hình giá quan trọng (các NĐT sau khi kiểm định một mẫu hình đã hoàn thành bắt đầu tham gia thị trường tạo ra một khoảng trống giá). Xuất hiện với khối lượng giao dịch lớn. Nó báo hiệu bắt đầu cho 1 sự dịch chuyển thị trường đáng kể. Xem hình mình họa 5.1
Xác suất lấp Gap trong vòng 1 tuần:
   * Đối với uptrend: 2%
   * Đối với dowtrend: 1%
=> Xác suất lấp gap rất thấp đối với khoảng trống giá này.

Hình 5.1: Khoảng trống giá Breakaway, bắt đầu một sóng tăng mới

+ Khoảng trống Runaway: xuất hiện giữa xu hướng là dẫu hiệu củng cố xu hướng đang hiện hành. Hình minh họa 5.2
Xác suất lấp Gap trong vòng 1 tuần:
   * Đối với uptrend:    4%
   * Đối với dowtrend: 9%
=> Xác suất lấp gap  tương đối thấp với khoảng trống giá này.

   Hình 5.2: Khoảng trống giá Runaway liên tục xuất hiện, củng cố xu hướng tăng của thị trường

ð  Hai khoảng trống Breakaway và Runaway được xem như là mốc hỗ trợ (chống đỡ) của thị trường. Nếu giá giảm rớt xuống dưới 2 khoảng trống này thì đó là dấu hiệu xu hướng hiện hành đang bị đe dọa.
+ Khoảng trống Exhaution: xuất hiện gần cuối xu hướng của thị trường. Nếu trước đó đã xuất hiện 2 khoảng trống Breakaway và Runaway thì có thể nghĩ đến khoảng trống tiếp theo là Exhaution. Theo sau nó, thị trường có thể đảo chiều xu hướng sau 1 vài ngày hoặc 1 tuần. Hình minh họa 5.3
 Xác suất lấp Gap trong vòng 1 tuần:
   * Đối với uptrend:    61%
   * Đối với dowtrend: 64%
=> Xác suất lấp Gap  tương đối cao với loại Gap này: sau một uptrend hoặc dowtrend mạnh, nếu 1 khoảng trống giá xuất hiện và bị lấp trong vòng 1 tuần đó là dấu hiệu đạt đỉnh hoặc tạo đáy.

Hình 5.3: Khoảng trống giá Exhaution xuất hiện, thị trường đảo chiều vài ngày sau đó.


Nguồn: Giáo trình "Phân Tích Kỹ Thuật - Ứng dụng trong đầu tư chứng khoán"
Phan Thị Bích Nguyệt
Lê Đạt Chí