15/1/17

CHIẾN LƯỢC TỔNG QUAN 2017



Kết quả hình ảnh cho đầu tưHoạch định chiến lược đầu tư là một trong những bước quan trong nhất và không thể thiếu trong hoạt động đầu tư, nhằm chủ động đón đầu các cơ hội và phòng ngừa các rủi ro có thể xuất hiện. Nhân đầu năm, tôi thực hiện bài viết nhằm xem xét lại thị trường trong năm 2016 và có cái nhìn tổng quan về thị trường trong năm 2017.




Năm 2017 sẽ là năm những bất ổn leo thang trên thị trường tài chính toàn cầu. Tình hình kinh tế - chính trị thế giới hàm chứa nhiều rủi ro và bất ổn: sự nghi ngại liên quan đến tốc độ tăng trưởng chậm lại và có dấu hiệu suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc, cũng như chính sách phá giá mạnh của đồng NDT trong các năm gần đây (8-10%/năm là dấu hiệu đầu của khủng hoảng kinh tế). Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang có xu hướng gia tăng tại nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới nhằm bảo hộ cho hàng hóa của quốc gia mình khiến rủi ro thương mại quốc tế gia tăng với nhiều chính sách khó lường tác động đáng kể đến nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu. Vấn đề nâng lãi suất của FED và rủi ro rút vốn khỏi các thị trường mới nổi khiến bất ổn trên thị trường tài chính gia tăng. Tuy nhiên, đứng trước những rủi ro đó, bản thân TTCK Việt Nam vẫn mang đến những cơ hội lớn trong năm 2017. Với mục tiêu tham vọng đưa vốn hóa thị trường lên mức 70% GDP vào năm 2020 buộc chính phủ bên cạnh việc cổ phần hóa hàng loạt DNNN (tốc độ tăng trưởng vốn hóa ước đat 28%/năm), đồng thời phải có các biện pháp nới lỏng, kích thích và thu hút dòng vốn vào TTCK nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng tối thiểu 14%/năm của chỉ số thì mới có thể đạt được mục tiêu như trên. Mặc dù, câu chuyện nâng hạng thị trường có thể sẽ là câu chuyện dài hơi (ít nhất năm 2020), nhưng quyết tâm của chính phủ đi từ từng bước một như đưa các công cụ phái sinh vào thị trường sẽ giúp thúc đẩy đáng kể dòng vốn ngoại đổ vào thị trường (các công cụ chứng khoán phái sinh giúp các tổ chức chuyên nghiệp nước ngoài có công cụ phòng ngừa rủi ro - gia tăng sự lựa chọn cho dòng vốn ngoại). Có thể việc thực thi các chính sách - chủ trương này sẽ chậm hơn kế hoạch và dự kiến, nhưng nhìn ở góc độ dài hơi hơn, thì triển vọng TTCK Việt Nam trong giai đoạn 2017 - 2020 hoàn toàn sáng sủa. Bên cạnh đó, năm 2016 đã khép lại nhưng lại mở đầu cho chu kỳ phục hồi của giá cả hàng hóa trên thế giới: dầu khí, cao su, than, thép, cọ dầu,… và nhiều mặt hàng khác đã ghi nhận mức phục hồi ấn tượng hơn 50% nửa cuối năm 2016. Việc phục hồi của giá cả hàng hóa luôn có 2 mặt và sẽ được tôi đề cập trong phần chiến lược chi tiết bên dưới. Tóm lại, năm 2017 sẽ là năm rủi ro và cơ hội đan xen, việc đánh giá lại chiến lược cho từng bối cảnh cụ thể sẽ giúp chủ động trong việc phòng ngừa rủi ro và đón đầu cơ hội đầu tư.

Review TTCK Việt Nam 2016
Năm 2016 có thể nói là năm chủ đạo trong việc thúc đẩy cổ phần hóa DNNN với hàng loạt tên tuổi lớn lên sàn. Song hành với sự kiện này là sự tăng giá của hàng loạt cổ phiếu đầu ngành với mức tăng giá lên đến hơn 100%, cá biệt nhiều cổ phiếu ghi nhận mức tăng giá lên đến 2 -3 lần. Nên có thể nói, năm 2016 là năm dẫn sóng của nhóm leader (leader ngành - không phải leader thị trường). Việc tăng giá của nhóm leader sẽ giúp nâng cảm nhận về tính tương đối của giá cả cổ phiếu nhỏ hơn trong tương quan với giá của các cổ phiếu đầu ngành, giúp cho các cổ phiếu lên sàn trong năm do đó đạt được mức giá thị trường thuận lợi nhất. Việc tăng giá của các cổ phiếu này phần nào đưa giá cổ phiếu về mức cân bằng hoặc thậm chí là vượt xa so với giá trị nội tại của chúng. Điều này đồng nghĩa với việc rủi ro tại nhóm cổ phiếu này sẽ gia tăng trong năm tiếp theo. Nếu quay lại lịch sử của các nhóm dẫn sóng trong các năm trước đây trên TTCK Việt Nam, thì hầu hết chu kỳ dẫn sóng chỉ kéo dài được 1 năm hơn. Thời kỳ tiếp theo thường là thời kỳ “hạ nhiệt” của giá cổ phiếu của nhóm dẫn sóng trước đó. Điều này có thể giải thích là do: thứ nhất cổ phiếu dẫn sóng trong năm đòi hỏi có sự đột phá về hoạt động kinh doanh trong năm đó, khiến cho doanh thu và lợi nhuận gia tăng đột biến so với cùng kỳ. Lúc đó, thị trường dần phản ánh các yếu tố đó vào giá của cổ phiếu trên thị trường. Sự phản ánh có 2 thành phần: thành phần đầu tư đưa giá cổ phiếu về mức giá cân bằng so với giá trị nội tại và thành phần đầu cơ phản ánh cả kỳ vọng trong các năm sắp tới khiến giá cổ phiếu vượt mức cân bằng của nó trong ngắn hạn. Thứ hai, trong năm dẫn sóng, các cổ phiếu này thường sẽ ghi nhận một sự đột phá về doanh thu và lợi nhuận và do đó, chính nó lại trở thành áp lực trong năm tiếp theo. Việc phải đạt mức doanh thu và lợi nhuận nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng đột phá như năm dẫn sóng trước đó trở thành một áp lực trong năm tiếp theo và do đó sẽ khiến giá cổ phiếu nhóm lead thường có xu hướng hạ nhiệt và thời kỳ sau đó, đưa nhóm này về trạng thái “cân bằng” trong ngắn hạn.
Tóm lại, năm 2016 được coi là năm bản lề của cổ phần hóa và thoái vốn tại các DNNN và cơ hội của thị trường xoay quanh các câu chuyện như vậy.

Cơ hội năm 2017
Năm 2017, câu chuyện của năm 2016 vẫn còn tiếp diễn nhưng ở một sắc thái khác. Vì động lực tăng giá năm 2016 tập trung vào động lực phục hồi và tăng trưởng trong nội tại của các doanh nghiệp, thì năm 2017 động lực sẽ đến từ các công cụ kỹ thuật, sẽ là năm bản lề cho những chính sách mở và đột phá nhằm thu hút dòng vốn đổ mạnh vào thị trường nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức hợp lý đạt được mục tiêu và lộ trình vốn hóa cho thị trường vào năm 2020. Bên cạnh các công cụ chứng khoán phái sinh, giao dịch T0 dự kiến sẽ áp dụng trong năm còn có câu chuyện về nới room cho khối ngoại tại các lĩnh vực trọng yếu, đáng chú ý nhất là câu chuyện nới room tại các ngân hàng lớn.
Đặc thù của các công cụ chứng khoán phái sinh theo tôi đánh giá sẽ giúp thu hút đáng kể dòng vốn ngoại. Và nhóm hưởng lợi nhất trên TTCK sẽ là nhóm cổ phiếu Bluechip - nhóm lead thị trường. Nhóm này là nhóm có tài sản chất lượng nhất, do đó thu hút sự quan tâm và dòng tiền của khối ngoại nhiều nhất. Hiện nhóm Bluechip, trong đó nhóm cổ phiếu trong rổ VN30 đang có P/E ở mức tương đối hấp dẫn. Do đó, tôi đánh giá nhóm này sẽ là nhóm dẫn sóng tron năm 2017. Tuy nhiên, sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngành và sẽ được tôi phân tích chi tiết ở phần bên dưới.
Về các biến số vĩ mô, đáng chú ý nhất là lạm phát, tỷ lệ lạm phát bắt đầu gia tăng từ năm 2016 và kỳ vọng sẽ tiếp tục trong năm 2017. Điểm đáng chú ý là, trong giai đoạn đầu của lạm phát, tác động của nó đối với thị trường chứng khoán thường tích cực. Thứ nhất, Lạm phát gây bất lợi cho lãi suất thực tại ngân hàng, tạo sự dịch chuyển dòng vốn sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán. Thứ hai, trong bối cảnh lạm phát ở mức thấp, sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng đẩy chi phí này vào giá bán, trong ngắn hạn sẽ làm tăng doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ, do đó tạo hiệu ứng tích cực cho hoạt động kinh doanh. Các mô hình tương quan và nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng đã chỉ ra rằng, TTCK thường có sự khởi sắc và là một kênh phòng thủ đối với lạm phát trong giai đoạn đầu khi lạm phát ở mức vừa phải.

Gác lại nhóm thép - Câu hỏi còn bỏ ngỏ
Năm 2016, trong xu hướng phục hồi mạnh mẽ của hầu hết các cổ phiếu đầu ngành, có thể nói là năm làm mưa làm gió của các cổ phiếu ngành thép. Với mức tăng giá của HSG từ 15 lên 45 (gấp 3 lần) và HPG từ 20 lên hơn 45 tức hơn 2 lần. Năm 2016 nhu cầu tiêu thụ thép trong nước gia tăng, kèm với đó là sự phục hồi của giá thép, môt phần hưởng lợi từ các chính sách bảo hộ ngành thép trong nước, và sự thay đổi về chính sách sản xuất thép của Trung Quốc (cường quốc số 1 về sản xuất thép - chiếm hơn 50% sản lượng toàn thế giới) trước sự lo ngại về tác động của nhóm này đối với môi trường. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ thép trong năm 2017 có thể sẽ không cao như năm 2016. Bên cạnh đó, hàng rào bảo hộ mậu dịch giữa các quốc gia Đông Nam Á tiếp tục gia tăng đối với các sản phẩm thép. Chính sách đẩy mạnh tiêu thụ thép giá rẻ của TQ ra thế giới kèm theo sự mất giá mạnh của đồng NDT có thể thách thức rất lớn đối với tốc độ tăng trưởng của ngành thép Việt Nam trong năm 2017. Các yếu tố chi phí nguyên liệu đầu vào đang gia tăng mạnh như than cốc, phôi thép, quặng,...Ban đầu, sự tăng giá này sẽ giúp các DN sản xuất thép đưa vào giá cả thành phẩm giúp doanh thu và lợi nhuận ngắn hạn gia tăng nhưng điều đó chỉ diễn ra thuận lợi trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thép gia tăng mạnh trong năm 2016. Nhưng nếu nhu cầu tiêu thụ thép có xu hướng sụt giảm, thì việc tăng giá thành phẩm đầu ra về lâu dài sẽ tác động đáng kể đến độ co giãn của doanh thu ngành thép, nếu không tăng giá, áp lực lên biên lợi nhuận gộp sẽ gia tăng. Tất cả những yếu tố trên sẽ gây áp lực rất lớn lên việc duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành thép trong năm 2017. Bên cạnh đó, giá cổ phiếu của nhóm ngành này đã ghi nhận mức tăng khá cao. Sự hấp dẫn của nhóm cổ phiếu thép có thể tiếp tục kéo dài trong quý 1 năm nay nhưng cần phải có sự đánh giá và theo dõi sát các biến số tác động của nhóm ngành này trong năm 2017. Do đó, câu hỏi về triển vọng của nhóm cổ phiếu thép vẫn còn bỏ ngỏ.

Sự trở lại của Vị Vua - nhóm cổ phiếu Ngân Hàng
Nhóm cổ phiếu ngân hàng từng có thời kỳ phục hồi mạnh mẽ, quay lại dẫn dắt thị trường kể từ năm 2014 ( VCB - đầu 2014, BID + CTG từ đầu 2015). Như tôi đánh giá về chu kỳ của các nhóm cổ phiếu dẫn dắt. Thường sẽ lead thị trường trong hơn 1 năm và sau đó bắt đầu thời kỳ hạ nhiệt. Nhóm bank sau thời kỳ làm mưa làm gió từ đầu năm 2014 thì bắt đầu thời kỳ hạ nhiệt kéo dài từ giữa năm 2015 đến cuối năm 2016, tức là hơn 1 năm rưỡi. Trong giai đoạn này, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng diễn ra quyết liệt, nhiều vụ án trọng điểm được đưa ra xét xử và việc thanh lọc các ngân hàng yếu kém nhằm bình ổn lại hệ thống ngân hàng khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu nhiều tác động. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng có thể đã phần nào đạt được những thành công nhất định. Các ngân hàng lớn dần ổn định, năm 2016 ghi nhận sự đột phá về lợi nhuận của top đầu, VCB và CTG ghi nhận lợi nhuận khủng trong năm 2016. Năm 2017 sẽ là năm tiếp tục ghi nhận sự trở lại của nhóm này khi hầu hết các chính sách đều mang đến lợi thế đáng kể cho các ông lớn ngành ngân hàng. Việc trích lập dự phòng nợ xấu triệt để trong các năm trước nay mang đến một khoản lợi nhuận tiềm tàng trong năm 2017 khi việc hoàn nhập có thể mang đến những yếu tố bất ngờ. Câu chuyện nâng room khối ngoại tại VCB - CTG vẫn còn nóng, ông lớn BID với câu chuyện đối tác chiến lược sẽ là chủ để nóng trong năm.

Nhóm chứng khoán lên ngôi
Về thực lực, nhóm chứng khoán thực sự không đủ sức dẫn dắt thị trường. Nhưng phần nào sẽ đóng góp đáng kể vào xu hướng sóng trong năm 2017. Nhóm cổ phiếu chứng khoán, nếu nhìn tổng quan giai đoạn dài hơi từ năm 2014 - 2016 có thể nói là thời kỳ không thực sự thuận lợi của nhóm cổ phiếu này về mặt giá cổ phiếu, hầu như là đi ngang trong giai đoạn 2014 - 2016. Các đợt sóng của nhóm chứng khoán không đáng kể trong giai đoạn này. Điều này cũng dễ hiểu, vì giai đoạn 2014 - 2016 hoạt động tái cơ cấu ngân hàng diễn ra mạnh mẽ, các chính sách liên quan bên lĩnh vực ngân hàng tác động đáng kể đến dòng vốn vào thị trường chứng khoán, do chủ trương siết chặt vốn vào TTCK. Nhưng năm 2017 sẽ là năm bản lề đối với nhóm cổ phiếu chứng khoán khi các quy định và chính sách mở trên thị trường được kỳ vọng sẽ chính thức áp dụng trong năm. Với việc tích lũy nội lực của các công ty chứng khoán top đầu trong giai đoạn trước đó, thì thời điểm bùng nổ của nhóm này cũng sắp đến. Trong 4 năm gần nhất, vị trí của nhóm công ty chứng khoán top đầu hầu như không có sự thay đổi, thị phần liên tục gia tăng. Bên cạnh đó, các quy định về quy mô vốn nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn đối với các chính sách mới trên thị trường hầu như đều mang lại lợi thế cho các công ty chứng khoán top đầu, với lợi thế về quy mô tài chính, kịp thời nắm bắt cơ hội và đáp ứng các tiêu chuẩn liên quan đến các chính sách mới.
Bên cạnh việc gia tăng nguồn thu và thị phần môi giới, nguồn thu từ hoạt động ngân hàng đầu tư như tư vấn niêm yết, sáp nhập, thoái vốn,... hầu hết đều mang đến nguồn thu tiềm tàng cho các ông lớn trong ngành với lợi thế về uy tín và chất lượng tư vấn hàng đầu. Biên lợi nhuận luôn duy trì quanh mức 40% trong các năm gần đây.
Nếu xét về mặt phân tích kỹ thuật, đồ thị của các công ty chứng khoán top đầu như HCM, SSI, VND có thể thấy giai đoạn 2014 - 2016 có thể xem giai đoạn sideway dài hạn. Đặc trưng cuối chu kỳ sideway trước giai đoạn bứt phá là biến động bắt đầu thu hẹp vào giai đoạn cuối của mẫu hình với thanh khoản sụt giảm mạnh là dâu hiệu dễ nhận biết nhất. Nhóm chứng khoán đang cho thấy sự tích lũy cuối chu kỳ như vậy. Bên dưới là đồ thị của HCM được tôi chọn làm đại diện.



Giai đoạn 2014 - 2016 tạo thành giai đoạn tích lũy với mẫu hình tam giác phù hợp với bối cảnh vĩ mô trong cùng thời kỳ. Nếu nhóm cổ phiếu chứng khoán bứt phá ra khỏi chu kỳ tích lũy (giá vượt đường kháng cự - đường trendline giảm giá dài hạn từ tháng 8/2015) thì chu kỳ bủng nổ của nhóm cổ phiếu chứng khoán sẽ bắt đầu từ quý 1/2017.
Tuy nhiên, cũng phòng trường hợp khác, vì cuối chu kỳ 2 đường trendline vẫn duy trì khoảng cách đáng kể nên không loại trừ trường họp nhóm này gặp kháng cự sẽ điều chỉnh, tiếp tục dao động giữa 2 đường trendline. Trong trường hợp này, nếu xét theo chu kỳ sóng, mất tầm 5 tháng nhóm này sẽ tạo 1 chu kỳ, do đó, điểm rơi trong trường hợp thứ hai sẽ vào tầm tháng 6/2017.

Nhóm Bluechip
Sự lựa chọn hàng đầu của dòng vốn. Nếu các chính sách mở được áp dụng trong năm 2017, thì sự lựa chọn của dòng vốn sẽ được ưu tiên tập trung vào nhóm Bluechip - nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường với chất lượng tài sản tốt. Với việc nhóm này đang có mức PE thấp, tôi đánh giá tiêm năng tăng trưởng của nhóm cổ phiếu này trong năm 2017 sẽ khá cao. Nhưng cần có sự chọn lọc kỹ lưỡng đối với tưng mã cụ thể, tùy theo tiềm năng của từng doanh nghiệp riêng lẻ.

Nhóm cổ phiếu hàng hóa - tiếp nối đà phục hồi
Chu kỳ phục hồi của giá cả hàng hóa bắt đầu từ giữa cuối năm 2016 với mức tăng ấn tượng từ 50 - 100% của rất nhiều mặt hàng nguyên nhiên liệu. Đáng chú ý nhất là sự phục hồi của giá cao su thiên nhiên, thép, than, cọ dầu,...và triển vọng về sự phục hồi của giá dầu sau thỏa thuận của OPEC. Quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC, không những tác động đáng kể lên kỳ vọng phục hồi của giá dầu trong năm 2017, sự phục hồi của giá dầu - vốn là nguyên liệu đầu vào chủ đạo của hầu hết các lĩnh vực sản xuất khác tất yếu sẽ kéo theo sự phục hồi của giá cả hàng loạt các loại hàng hóa.
Việc phục hồi của giá cả hàng hóa sẽ mang đến lợi ích lớn nhất đối với các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu thô như nhóm dầu khí, cao su, than,....
Vì chu kỳ phục hồi của giá cả hàng hóa chỉ mới bắt đầu từ giữa cuối năm 2016, nên sự phản ánh trong môi tương quan với giá cổ phiếu của các nhóm này trên thị trường chỉ mới bắt đầu từ phương diện đầu cơ. Về lâu dài, nếu giá cả hàng hóa, chí ít là chỉ cần duy trì ở mức hiện tại trong năm 2017 đã có thể tác động đáng kể lên doanh thu và lợi nhuận của nhóm này so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, nổi bật nhất là nhóm cao su thiên nhiên (PHR - TRC - DPR): Giá cao su thiên nhiên phục hồi mạnh mẽ từ vùng giá đáy vào đầu quý 4/2016, nên chỉ mới phản ánh những biến động trong doanh thu và lợi nhuận của quý 4. Nếu tiếp tục duy trì tại mặt bằng hiện tại trong suốt năm 2017. Thì rõ ràng, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiêp cao su thiên nhiên sẽ có sự đột phá lớn so với cùng kỳ trong các quý tiếp theo. Ngược lại, cao su thiên nhiên là đầu vào của ngành săm lốp (DRC - CSM - SRC) nên sẽ tác động đến các doanh nghiệp này theo 2 chiều. Trong ngắn hạn, việc gia tăng chi phí đầu vào sẽ được các doanh nghiệp này đưa vào giá thành phẩm, do đó sẽ tạo hiệu ứng tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận, nó sẽ tác động tích cực lên các DN này về mặt đầu cơ ngắn hạn. Tuy nhiên, về lâu dài việc tăng giá bán thành phẩm sẽ tác động đáng kể đến độ co giãn về doanh thu và tác động lên biên lợi nhuận gộp của các DN có chi phí nguyên liệu đầu vào gia tăng. Đứng ở góc độ đầu tư thì đây là tác động bất lợi.
Nhóm cổ phiếu dầu khí: Việc cắt giảm sản lượng dầu khí của OPEC mang đến kỳ vọng lớn cho sự phục hồi của giá dầu. Việc dự đoán giá dầu hoàn toàn không khả thi, nhưng nếu xét về tính chu kỳ, trong lịch sử giá dầu thường mất khoảng 2 năm để tạo đáy, do đó kỳ vọng về sự tiếp tục phục hồi của giá dầu hoàn toàn có thể. Về chart kỹ thuật, có thể thấy dầu khí đang tạo mẫu hình V - Đ - V đảo chiều tăng giá, chu kỳ của vai trái mất 1 năm hình thành từ đầu 2015 đến đầu 2016, điểm đáy (đầu) hình thành đầu năm 2016 và chu kỳ của vai phải cũng mất tầm 1 năm từ đầu 2016 đến đầu 2017. Như vậy, mẫu hình V - Đ - V của giá dầu khá cân xứng.
Các cổ phiếu đáng chú ý và có tương quan thuận với giá dầu gồm: GAS - PVD - PVS - PVT.
Các mã còn lại phụ thuộc vào thời điểm triển khai các dự án mới.

Nhóm cổ phiếu năng lượng (Điện - Nước) - phòng thủ lạm phát
Nhóm cổ phiếu điện nước theo nhiều nghiên cứu trên thế giới sẽ là nhóm cổ phiếu phòng thủ trong xu hướng lạm phát gia tăng. Vì giá cả các măt hàng công ích như giá điện - giá nước thường có xu hướng tăng thuận chiều với lạm phát. Tuy nhiên, hiện nay giá điện nước theo những thông tư mới nhất hầu như không có sự thay đổi, một phần do phụ thuộc vào định hướng chính sách của chính phủ mới.
Về nhóm cổ phiếu thủy điện, năm 2016 hoạt động kinh doanh của nhiều công ty thủy điện bị giảm sút do tình hình hạn hán kéo dài 9 tháng đầu năm 2016 khiến sản lượng điện sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, hiện tượng El Nino đang dần bị thay thế bởi hiện tượng La LiLa, được dự báo sẽ gây ra mua mưa kéo dài từ tháng 10/2016 đến tháng 2/2017, nếu hiện tượng La Lina diễn ra thuận lợi thì lượng mưa cả năm 2017 có thể gia tăng mạnh và kéo dài. Tuy nhiên, đặc điểm đáng chú ý là hiện tượng La Lina hầu như sẽ mang đến lượng mưa cho miền Nam và Trung bộ, cao hơn bình quân 15 - 25% so với trung bình nhiều năm (TBNN), trong khi lượng mưa ở khu vực Bắc bộ có xu hướng sụt giảm từ 10 - 30% so với TBNN. Về thực tế lượng mưa tăng cường từ tháng 9/2016 đến nay đều cho thấy tập trung phần lớn ở Trung bộ và Bắc bộ với nhiều trận lũ liên tiếp, các công ty thủy điện miền Trung và một vài công ty thủy điện phía Bắc cho thấy sự cải thiện trong hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, lựa chọn hàng đầu vẫn là theo xu hướng thủy văn, nên trong chiến lược đầu tư vào nhóm thủy điện cần tập trung vào những công ty thủy điện miền Trung là chủ đạo. Trong nhóm thủy điện, cần lưu ý mã VSH, vì VSH đang dính đến dự án thủy điện thượng Kon Tum chậm tiến độ gây phát sinh chi phí và liên quan đến kiện tụng nên cần tránh những mã như thế này.
Nhóm nhiệt điện, hiện tượng El Nino 9 tháng đầu năm 2016 đã đem đến lợi thế lớn cho các công ty nhiệt điện, khi các công ty thủy điện không đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng. Trong đó, đáng chú ý có NT2 và PPC. NT2 đã có đợt sóng lớn kéo dài từ đầu năm 2016 nhưng PPC lại bị mắc kẹt bởi 2 vấn đề về việc ký kết hợp đồng bán điện và tỷ giá đồng Yên Nhật. Vốn dĩ hoạt động kinh doanh của PPC khá tốt, biên lợi nhuận ròng luôn duy trì ở mức 11%/năm, nhưng tác động từ tỷ giá khiến hoạt động kinh doanh không phản ánh được chính xác. Năm 2017, được dự báo là năm FED sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất hơn, đó là một trong những nhân tố có thể kìm hãng sự biến động bất lợi của đồng Yên. Trong bối cảnh đồng Yên giữ ở mức ổn định, với việc chính thức ký được hợp đồng bán điện với EVN, khả năng năm 2017 PPC sẽ dần khởi sắc trở lại.
Nhóm cổ phiếu Bất Động Sản - Xây Dựng - VLXD sẽ không còn thuận lợi
Năm 2016 có thể nói là năm khởi sắc của TT BĐS, số lượng tiêu thụ các căn hộ tiếp tục tăng trưởng. Nhưng với việc nguồn cung bắt đầu dư thừa và nhu cầu tiêu thụ bắt đầu chậm lại thì năm 2017 có thể sẽ là năm khó khăn của nhóm cổ phiếu BĐS. Nên chiến lược đầu tư vào nhóm này cần sự chọn lọc kỹ càng về phân khúc thị trường. Mặc dù vấn đề của nhóm này còn liên quan đến thời điểm hoạch toán doanh thu từ các dự án, nhưng 1 phần kỳ vọng đầu cơ vào nhóm này sẽ hạ nhiệt do những khó khăn bên trên.
Kéo theo đó, nhóm VLXD có thể sẽ không còn thuận lợi như năm 2016. Như đã đề cập về nhóm lead thị trường. Năm 2016 cũng là năm khá khởi sắc của nhóm VLXD, nhưng với việc hoạch toán doanh thu và lợi nhuận đột biến, nhiều cổ phiếu như NNC, KSB, CVT có mức tăng phi mã, gấp 2 - 3 lần thị giá so với đầu năm thì năm 2017 sẽ không còn thuận lợi cho nhóm này như năm vừa rồi.
Nhóm cổ phiếu Thủy sản - May mặc
Nhóm cổ phiếu này được tôi xếp chung vì có tương quan nhiều với các hiệp định thương mại, sự tác động khó lường từ các hàng rào bảo hộ tại các nước tiêu thụ.
Năm 2016 là năm tương đối khó khăn của ngành dệt may khi giá bông nguyên liệu tăng, lương công nhân tăng, trong khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu có xu hướng chậm lại và thấp nhất trong 10 năm gần đây, hiệp định TPP không được thông qua. Hầu hết lợi thế thuộc về các DN thuộc khối FDI.
Trong khi nhóm thủy sản bị tác động bởi nguồn nguyên liệu đầu vào, hiện tượng xâm ngập mặn khiến nguồn nguyên liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất bị thiếu hụt, giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh ăn mòn lợi nhuận của các DN thủy sản. Mặc dù, tình hình xuất khẩu thủy sản vẫn cho thấy dấu hiệu khởi sắc nhưng không ít các DN thủy sản trong nước gặp khó khăn. Trong đó, nổi lên có VHC, doanh nghiệp này có lợi thế về nguồn nguyên liệu riêng biệt và không bị tác động đáng kể bởi hiện tượng xâm ngập mặn nên chủ động được đầu vào, dần vươn lên chiếm lĩnh thị phần từ các đối thủ.
Chiến lược đầu tư vào các nhóm ngành như này đòi hỏi theo sát các số liệu vĩ mô hàng tháng, và các chính sách hiệp định thương mại tại các quốc gia tiêu thụ.

Tóm lại năm 2017 được tôi đánh giá sẽ là năm tiếp tục khởi sắc của TTCK, kỳ vọng lớn nhất vào các chính sách mang tính kỹ thuật áp dụng trên TT. Bên cạnh đó là hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn tại các DNNN song song với mục tiêu tăng vốn hóa và quy mô của TTCK đến năm 2020, đòi hỏi thị trường phải duy trì mức tăng trưởng ổn định trong các năm tới. 
VIET EURO

4 nhận xét:

  1. http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/trinh-kich-ban-dieu-chinh-gia-dien-vao-cuoi-thang-3-3559120.html

    Giá điện sẽ tăng vào cuối tháng 3, quan sát nhóm điện?

    Trả lờiXóa
  2. http://ndh.vn/ssi-me-lai-truoc-thue-quy-1-2017-hon-328-ty-dong-tang-66-5-so-voi-cung-ky-20170420075329521p4c146.news
    http://ndh.vn/vnd-lai-hon-222-ty-dong-quy-i-2017-vuot-ca-nam-2016-nho-hoat-dong-tu-doanh-20170420084058147p4c146.news
    SSI và VND lần lượt báo lãi tăng trưởng vượt trội như dự kiến, việc của một NĐT cần làm, là tiếp tục nắm giữ vị thế và gia tăng tỷ trọng càng nhiều càng tốt cho trung và dài hạn.

    Trả lờiXóa
  3. http://ndh.vn/fpt-dat-540-ty-dong-loi-nhuan-quy-i-2017-tang-21--2017042006512902p4c147.news
    FPT một mã bluechip cũng rất đáng kỳ vọng của năm nay, target 6x cho FPT sẽ đạt được trong năm. Phù hợp chu kỳ đầu tư 6 - 9 tháng, vì FPT tương đối chậm, nhưng đối với những người kiên nhẫn và dùng đòn bẩy hợp lý sẽ thấy hiệu quả đáng kể với những mã như thế này.

    Trả lờiXóa